Multimedia Đọc Báo in

Trường Chính trị tỉnh: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị

13:53, 20/08/2021

Trường Chính trị tỉnh hiện nay tiền thân là Trường Đảng tỉnh, được thành lập cách đây 58 năm.

Trong những năm qua, tập thể cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà trường luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo về lý luận chính trị - hành chính, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2020, Trường Chính trị tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng 162 lớp, với hơn 13.900 lượt học viên; trong đó có 9 lớp cao cấp lý luận chính trị với hơn 800 học viên, 80 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với gần 5.900 học viên; 66 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước với 6.700 học viên. '

Bên cạnh đó, Trường Chính trị tỉnh đã liên kết, phối hợp với các trường đại học, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 5 lớp đại học với 460 học viên; mở 2 lớp cao học với 78 học viên. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ của hệ thống chính trị. Phương pháp giảng dạy được đổi mới theo hướng hiện đại.

Nhà trường cũng đã tăng cường công tác quản lý giảng viên, học viên theo hướng chặt chẽ hơn; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức gắn với rèn luyện ý thức kỷ luật, trách nhiệm, tác phong khoa học, gương mẫu, tự giác trong dạy và học; khuyến khích khả năng tự học, tự bồi dưỡng, nghiên cứu; tăng cường quản lý học viên giờ trên lớp, quản lý và nâng cao chất lượng các giờ thảo luận.

Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy đến thăm Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Phạm Dương

Nhà trường đã triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, xem đây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Từ năm 2015 đến 2020, trường đã tổ chức thao giảng, dự giờ cho trên 100 lượt giảng viên; triển khai 3 đề tài khoa học cấp tỉnh, 19 đề tài khoa học cấp trường và 1 đề tài cấp khoa; tổ chức 22 hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp. Các khoa đều tổ chức sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề trung bình 1 - 2 buổi/tháng. Nhiều cán bộ, giảng viên tham gia vào hoạt động khoa học khác như tham gia phản biện, dự hội thảo, viết bài cho tạp chí quốc tế, trong nước và tham luận khoa học các cấp...

Trường Chính trị tỉnh từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, bồi dưỡng lý luận chính trị. Chuẩn bị mọi nguồn lực để xây dựng nhà trường đạt chuẩn vào năm 2024, hướng tới hình thành Học viện cán bộ khu vực Tây Nguyên khi có đủ điều kiện.

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh, Trường Chính trị tỉnh chú trọng gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật kiến thức mới, thường xuyên cập nhật nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng bám sát các yêu cầu thực tiễn địa phương, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương.

Cùng với đó, chú trọng đa dạng hóa về phương thức và loại hình đào tạo sao cho phù hợp với trình độ và khả năng tiếp thu kiến thức của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại. Thường xuyên tập huấn cho đội ngũ giảng viên về phương pháp và tư duy lý luận. Chú trọng tổng kết thực tiễn trong giảng dạy, bồi dưỡng lý luận chính trị; đặc biệt quan tâm đến công tác phối hợp trong sơ kết, tổng kết nhiệm vụ của các tổ chức trong hệ thống chính trị để khái quát thành lý luận phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị cấp huyện làm nòng cốt để tham mưu và tổ chức, phối hợp với các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm, chăm lo công tác giáo dục lý luận chính trị, công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, xem đây là trách nhiệm và quyền lợi của mình.

TS. Nguyễn Thành Dũng

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.