Multimedia Đọc Báo in

Xã Pơng Drang gắn nội dung sinh hoạt chi bộ với giải quyết các vấn đề thực tiễn

08:30, 26/08/2021

Đảng bộ xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) hiện có 32 chi bộ trực thuộc với 581 đảng viên.

Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, hằng năm Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các chi bộ về nội dung, cách thức và một số vấn đề cần lưu ý trong sinh hoạt. Trọng tâm là thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ hằng tháng; chủ động đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt gắn với yêu cầu thực tiễn...

Bí thư Đảng ủy xã Pơng Drang Hoàng Trọng Sang cho biết, bên cạnh công tác lãnh đạo chung, Đảng ủy xã còn phân công các đồng chí đảng ủy viên trực tiếp phụ trách, theo dõi và dự sinh hoạt với chi bộ; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân, từ đó đề xuất, tham mưu cho Đảng ủy xã lãnh đạo, triển khai và xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Qua đó, cũng để tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của chi bộ; chỉ đạo các chi bộ lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề phù hợp với nhiệm vụ từng địa bàn.

Chi ủy thôn Cư Blang họp bàn thống nhất nội dung trước kỳ sinh hoạt chi bộ.

Quá trình thực hiện, nhiều chi bộ đã có cách làm hiệu quả trong nâng cao chất lượng sinh hoạt. Với chi bộ thôn 10, trước mỗi kỳ sinh hoạt, cấp ủy đã thống nhất những nội dung trọng tâm theo từng giai đoạn, thời điểm của thôn. Trong sinh hoạt, đảng viên tích cực tham gia ý kiến xây dựng nghị quyết, phát huy trí tuệ của tập thể, cũng như tính gương mẫu, trách nhiệm của từng đảng viên. Nhờ đó, khi triển khai nghị quyết của chi bộ đều được tập trung thực hiện với quyết tâm cao.

"Chất lượng sinh hoạt của các chi bộ trực thuộc đã có những chuyển biến rõ nét. Hầu hết nội dung sinh hoạt đã được đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể và gắn với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn tại cơ sở" - Bí thư Đảng ủy xã Pơng Drang Hoàng Trọng Sang

Bí thư Chi bộ thôn 10 Phan Hữu Tịnh cho biết, khi bắt tay triển khai giai đoạn 2 về thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, chi bộ đã thống nhất thực hiện nghị quyết chuyên đề về huy động sức dân hoàn thành đường bê tông trong thôn. Ban đầu, nhiều người còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước đầu tư. Nắm bắt điều đó, ngay trong các buổi sinh hoạt định kỳ, chi bộ đã bàn bạc, giao cho các đảng viên, trưởng các chi hội, đoàn thể đến từng gia đình tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ chủ trương, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Mặt khác, trước khi triển khai các phần việc, chi bộ đều tổ chức họp dân, thống nhất phương án đóng góp tiền, hiến đất và ngày công theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, nên bà con đã đồng lòng hưởng ứng.

Giai đoạn năm 2016 - 2020, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân thôn 10 đã tự nguyện đóng góp trên 250 triệu đồng để bê tông hóa toàn bộ gần 400 m đường trong thôn. Ngoài ra bà con còn góp hơn 100 triệu đồng để mua 320 m2 đất làm sân hội trường thôn; tự đầu tư điện chiếu sáng ở hầu hết các trục đường trong khu dân cư.

Ông Phan Hữu Tịnh, Bí thư Chi bộ thôn 10 (giữa) đến từng hộ dân nắm bắt tình hình sản xuất.

Chi bộ thôn Cư Blang có 16 đảng viên, sinh hoạt định kỳ vào ngày 27 hằng tháng. Theo Bí thư chi bộ Vũ Thị Oanh, trong mỗi kỳ sinh hoạt, chi ủy đều định hướng đảng viên tham gia trao đổi bàn bạc và thống nhất những yêu cầu nhiệm vụ chính yếu đặt ra trong thôn, qua đó tạo quyết tâm, sự đoàn kết khi triển khai thực hiện.

Thôn Cư Blang có 290 hộ, trong đó hơn 90% là người dân tộc Êđê. Để từng bước thay đổi nhận thức, tư duy phát triển kinh tế của nhân dân, chi bộ thôn đã phân công nhiệm vụ và gắn trách nhiệm của đảng viên trong việc gương mẫu đi đầu và vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mỗi đảng viên nhận trách nhiệm giúp đỡ từ 1 - 2 hộ thoát nghèo/năm. Khi người dân nhận thấy đảng viên “nói đi đôi với làm”, đem lại hiệu quả thiết thực thì họ cũng noi theo.

Nhờ đó, đến nay hầu hết các hộ trong thôn đều thực hiện xen canh các loại cây trồng có năng suất, giá trị cao như tiêu, sầu riêng, bơ trong rẫy cà phê; chăn nuôi theo mô hình nhốt tập trung… Toàn thôn hiện chỉ còn 20 hộ nghèo (giảm 15 hộ so với năm 2015); số hộ khá, giàu ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người ước khoảng 35 triệu đồng/năm.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.