Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026: Thông qua 30 nghị quyết quan trọng

15:44, 10/12/2021

Sau 2,5 ngày làm việc (từ ngày 8-10/12) với tinh thần dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã hoàn thành chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Ba với nhiều nội dung quan trọng và tiến hành bế mạc Kỳ họp.

Tại phiên thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đồng tình, đánh giá cao với báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN) năm 2021, nhiệm vụ năm 2022 và nhận định của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh: Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 nhưng việc chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Một số đại biểu cho rằng, năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 5,1%; để năm 2022 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 7,27%, UBND tỉnh cần khắc phục những "điểm nghẽn" để thu hút đầu tư, triển khai hiệu quả đầu tư công; tập trung chỉ đạo quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất để thu hút đầu tư.

Để phục hồi và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, đại biểu đề nghị cần xây dựng kịch bản, dự kiến nhiều phương án phòng chống dịch cho giai đoạn tiếp theo để ứng phó hiệu quả với tình hình dịch bệnh COVID-19; tổ chức hiệu quả công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân; chú trọng phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản hiệu quả; tăng cường công tác điều tra, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2022 sắp tới; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, trong đó cần tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ưu tiên hỗ trợ cho các mặt hàng sản phẩm chủ lực của tỉnh… 

Đại biểu Nguyễn Tuấn Hà (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh) giải trình tại phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hoàng Gia
Đại biểu Nguyễn Tuấn Hà (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh) giải trình tại phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hoàng Gia

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành nghiêm túc tiếp thu các nội dung đại biểu quan tâm, phản ánh, qua đó tiếp tục chỉ đạo điều hành, hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN trong thời gian tới. 

Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng các báo cáo, tờ trình, Kỳ họp đã thống nhất cao thông qua 30 Nghị quyết. Trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng, phục vụ cho phát triển kinh tế; văn hóa - xã hội; đảm bảo QP-AN của tỉnh như: Nghị quyết về mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN năm 2022; Quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025.

Biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: Hoàng Gia
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: Hoàng Gia

Các đại biểu cũng thống nhất thông qua các Nghị quyết về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 – 2025; Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở và cấp dưới cơ sở... cùng nhiều nghị quyết quan trọng khác.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr đề nghị UBND tỉnh, các Ban của HĐND, các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, kết luận của Tỉnh ủy về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn; tập trung chỉ đạo cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận, chương trình, đề án của Trung ương, của Tỉnh ủy và khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh để nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr phát biểu bế mạc Kỳ họp. Ảnh: Hoàng Gia
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Vinh Tơr phát biểu bế mạc Kỳ họp. Ảnh: Hoàng Gia

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chủ động nghiên cứu, rà soát, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách mới để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển KT-XH; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; đồng hành cùng doanh nghiệp; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH đảm bảo tính liên kết vùng, đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương…

Chủ tịch HĐND tỉnh Y Vinh Tơr nhấn mạnh, các nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh năm 2022 và những năm tiếp theo. Ngay sau Kỳ họp, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành tại Kỳ họp. HĐND tỉnh khẳng định quyết tâm, cùng với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết đề ra trong năm 2022; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.