Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò người có uy tín trong hòa giải cơ sở

08:05, 13/12/2021

Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải cơ sở, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số đã được cấp ủy, chính quyền huyện Cư Kuin quan tâm chỉ đạo thực hiện, qua đó, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Gần 10 năm qua, già làng Y Brah Niê (76 tuổi) ở buôn Ea Bhốk (xã Ea Bhốk) vẫn rảo bước chân trên khắp buôn làng đến từng nhà, gặp gỡ mọi người để lắng nghe tâm tư, tình cảm của bà con trong buôn.

Buôn Ea Bhốk có hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn chưa đồng đều. Với vai trò già làng, già Y Brah thường xuyên tuyên truyền cho bà con trong buôn về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là sự quan tâm đầu tư thiết thực qua việc ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con em dân tộc thiểu số…

Già làng Y Brah Niê thường xuyên theo dõi chuyên mục pháp luật qua sách, báo để nắm bắt kiến thức và tuyên truyền cho bà con buôn làng.

Được xem là cầu nối của buôn làng, mỗi khi trong buôn xảy ra vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, xích mích do hiểu lầm giữa làng xóm, mâu thuẫn vợ chồng... già Y Brah luôn đứng ra khuyên can, giảng giải.

 

“Già làng, trưởng buôn, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò nêu gương, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tham gia hoà giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, từ đó đã giải quyết những phát sinh ngay từ cơ sở, không để hình thành điểm nóng về an ninh trật tự tại địa bàn".

 
ông Y Daniel Rơmah Êban, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cư Kuin

Cách đây vài năm, trong buôn có con trai của Ma Blanh gây sự đánh nhau, gây thương tích với người địa phương khác dẫn đến kiện tụng. Già làng đã mời hai bên gia đình cùng nói chuyện, phân tích những sai trái do tuổi trẻ bồng bột, tiến hành hòa giải và cho các thanh niên cam kết không tái phạm. Hay như trường hợp gia đình chị H’Lơi Buôn Krông, mâu thuẫn vợ chồng không thể hòa giải phải ly hôn, theo giao ước trước hôn nhân, nếu chồng bỏ vợ thì phải chịu phạt 1 con bò. Tuy nhiên, sau khi được già làng cùng chính quyền địa phương phân tích ly hôn đã gây tổn thương về tinh thần cho cả hai vợ chồng và tổn thất cho con cái, vợ chồng chị H’Lơi đã thực hiện các thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật, chia tay trong hòa thuận, không còn trách phạt lẫn nhau.

Không chỉ là sợi dây gắn kết người dân, già Y Brah cũng thường xuyên nhắc nhở người Êđê buôn Ea Bhốk xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đồng thời tích cực hiến đất làm đường, đóng góp ngày công để xây dựng nông thôn mới, chung tay xây dựng buôn làng.

Cũng như già Y Brah, từng có nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở, Trưởng buôn Êbung (xã Ea Tiêu) Y Hiơh Niê (tên thường gọi Ma Tâm) thường xuyên gần gũi với người dân, bám sát địa bàn, vì thế cách phân tích, giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp tại địa bàn của ông luôn được bà con lắng nghe, đồng thuận. Hầu hết bà con nơi đây theo đạo Công giáo nên Ma Tâm thường xuyên tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong buôn chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về tôn giáo, xây dựng khối đoàn kết lương - giáo, tích cực tham gia các phong trào do chính quyền địa phương phát động.

Lãnh đạo xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin đến tận nhà tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, ông còn trực tiếp tham gia hỗ trợ tư vấn và giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh ở cơ sở, nhờ vậy nhiều năm qua, các vụ vi phạm pháp luật tại buôn Êbung được kiềm giảm, không xảy ra tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tình hình an ninh chính trị được giữ ổn định. Đơn cử như cách đây nhiều năm, gia đình bà H’Bay Knul và H’Me Buôn Krông có mua chung một thửa đất, vì mâu thuẫn trong việc phân chia ranh giới dẫn đến bất hòa. Trước tình hình đó, Trưởng buôn Ma Tâm đã cùng chính quyền địa phương tổ chức buổi nói chuyện mời hai gia đình tham gia, hướng dẫn các thủ tục về đất đai và hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, tránh việc tranh chấp kéo dài. Từ đó, mâu thuẫn giữa hai gia đình được hóa giải, tình làng nghĩa xóm trở lại gắn bó.

Toàn huyện Cư Kuin hiện có 113 tổ hòa giải với 765 hòa giải viên; trong năm 2021 đã tiến hành hòa giải 24 vụ việc, trong đó hòa giải thành 15 vụ. Các cấp chính quyền từ huyện tới xã đã thường xuyên rà soát, kiện toàn các tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên đảm bảo các tổ hòa giải có đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn và hoạt động đáp ứng nhu cầu đặt ra. Nhờ vậy, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.