Dấu ấn ngoại giao vắc xin
Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân và mọi mặt đời sống xã hội, phủ nhanh và rộng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 được xem là một trong những “chìa khóa” để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội ổn định.
Có thể nói, ngoại giao vắc xin là một trong những dấu ấn sâu đậm không chỉ trong việc triển khai thực hiện đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra mà còn góp phần tích cực tăng độ phủ vắc xin, tạo thêm phòng tuyến ngăn chặn dịch bệnh để đưa cuộc sống vào trạng thái “bình thường mới”.
Điểm chung trong các chuyến công du cấp cao của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta trong năm 2021 là đều cụ thể hóa “chiến lược ngoại giao song phương và đa phương” với các đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện theo tinh thần Đại hội XIII với điểm nhấn là vắc xin phòng COVID-19 cùng với trang thiết bị y tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Bộ Y tế và doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Cuba ký kết nhiều văn kiện hợp tác về mua 5 triệu liều vắc xin Abdala cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Trong chuyến công du châu Âu từ ngày 5 đến 11/9/2021 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo của Liên minh châu Âu, Nghị viện châu Âu và lãnh đạo một số nước đã chia sẻ với khó khăn của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch, bày tỏ ủng hộ Việt Nam bằng những hành động thiết thực như: Bỉ và Slovakia mỗi nước trao tặng nước ta 100.000 liều vắc xin AstraZeneca; các doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu hỗ trợ trang thiết bị y tế trị giá hàng nghìn tỷ đồng; một số nước cam kết hỗ trợ và nhượng lại số vắc xin dôi dư cho Việt Nam như: Đức, Séc, Latvia; nhiều nước cam kết hỗ trợ trang thiết bị phòng, chống dịch, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin... Ngoài ra, các đối tác nước ngoài còn ký kết với các tập đoàn trong nước về việc đặt mua 50 triệu liều vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất kit test PCR.
Trong chuyến thăm chính thức Cuba và tham dự phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) khóa 76 từ ngày 18 đến 24/9/2021 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người anh em Cuba mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đã hỗ trợ ngay 1 triệu liều vắc xin Abdala và cam kết cung cấp 10 triệu liều nữa, đồng thời cam kết chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam. Ngoài ra, Hungary đã giao ngay 100.000 liều vắc xin AstraZeneca và nhượng lại 400.000 liều vắc xin AstraZeneca dôi dư theo cơ chế phi lợi nhuận. Nhiều đối tác đã cam kết viện trợ và bán vắc xin cho Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc hay hỗ trợ vật phẩm y tế như: tập đoàn Northwestern Medicine hỗ trợ thiết bị y tế trị giá 3,8 triệu USD; công ty Thermo Fisher cung cấp 270.000 bộ test kit trị giá 2 triệu USD; ông David Duong là Việt kiều tại Mỹ đã hỗ trợ 1.000 máy trợ thở... Chủ tịch nước cũng đến thăm và làm việc tại Công ty Pfizer, theo đó Pfizer cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vắcxin đã ký hợp đồng với Việt Nam và 20 triệu liều vắc xin cho trẻ em ngay trong năm 2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao viện trợ trang thiết bị y tế chống dịch COVID-19 của Chính phủ Anh.Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Tiếp đó, trong chuyến thăm Thụy Sĩ ngày 28/11/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva, làm việc với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghegreyesus và các cộng sự. Chủ tịch nước đề nghị COVAX tiếp tục phân bổ và điều chuyển nhanh và kịp thời vắc xin tới Việt Nam, ưu tiên vắc xin cho trẻ em; mong muốn các đối tác tích cực ủng hộ Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA, là nơi sản xuất và cung ứng vắc xin cho khu vực Tây Thái Bình Dương... Tổng Giám đốc WHO và các cộng sự ủng hộ ý tưởng của Chủ tịch nước và hứa sẽ cung cấp vắc xin nhiều nhất và nhanh nhất có thể cho Việt Nam.
Trong chuyến tham gia Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh và Cộng hòa Pháp, thăm Công ty Dược phẩm Sanofi, làm việc với lãnh đạo Công ty AstraZeneca. Qua đó, Pháp đã viện trợ thêm gần 1,4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19; Anh cam kết giúp Việt Nam nâng cao năng lực y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng COVID-19; Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) và Công ty AstraZeneca ký hợp đồng mua 25 triệu liều vắc xin AstraZeneca, nâng tổng số thỏa thuận lên hơn 55 triệu liều.
Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 1,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca, nâng tổng số vắc xin Nhật Bản hỗ trợ nước ta lên 5,6 triệu liều.
Có thể nói, năm 2021 là năm ngoại giao hết sức thành công của nước ta trên nhiều phương diện, trong đó, ngoại giao vắc xin là dấu ấn nổi bật của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Mặc dù chưa tự sản xuất được vắc xin nhưng nhờ làm tốt công tác ngoại giao, đến nay Việt Nam là một trong số ít nước đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin toàn dân cao nhất thế giới, đa số người dân trong độ tuổi từ 12 trở lên đã được tiêm phủ hai mũi vắc xin phòng COVID-19 và nhiều địa phương đã tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng ưu tiên.
Một mùa xuân mới lại về mở ra nhiều hy vọng mới cho một năm Nhâm Dần – 2022. Chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất định cuộc chiến chống COVID-19 sẽ thành công, kinh tế nước ta sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, tiếp tục đưa đất nước đi đến cường thịnh, an khang.
TS. Ngô Khắc Sơn
Học viện Chính trị khu vực III
Ý kiến bạn đọc