Xây dựng và hoàn thiện thể chế phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Xây dựng và hoàn thiện thể chế đã được Đảng ta xác định là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững từ nhiệm kỳ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyên sâu đối với công tác này. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh từ chỗ đồ sộ về số lượng, còn nhiều bất cập, chồng chéo về nội dung thì hiện nay đã khá tinh gọn, đáp ứng cơ bản các yêu cầu quản lý của tỉnh.
Tính đến nay, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh có 375 văn bản còn hiệu lực pháp luật, điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội (gồm 115 nghị quyết, 258 quyết định và 2 chỉ thị). Nhìn chung các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh có tính ổn định tương đối, thường xuyên được áp dụng trên thực tế; bảo đảm phù hợp về thẩm quyền, tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kịp thời cụ thể hóa nội dung giao quy định chi tiết trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương và bảo đảm quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân.
Người dân tìm hiểu các văn bản quy định, hướng dẫn về thủ tục hành chính được niêm yết tại UBND thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk). Ảnh: Lan Anh |
Việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh tuân thủ đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020). Quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định, đảm bảo chặt chẽ từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản đến lấy ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra và trình ban hành văn bản. Việc tuân thủ đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật góp phần nâng cao chất lượng văn bản, hạn chế việc ban hành văn bản không có sơ sở pháp lý, không đúng thẩm quyền cũng như bất cập, chồng chéo về nội dung.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý văn bản cũng được quan tâm, chú trọng. Việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời ngay khi văn bản được ban hành nhằm đánh giá tính phù hợp, thống nhất của văn bản, qua đó phát hiện những nội dung trái pháp luật để kịp thời xử lý theo quy định.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay là việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; đây cũng là kết quả nổi bật của nỗ lực hoàn thiện thể chế ở tỉnh. Trong những năm gần đây, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật từng bước được đẩy mạnh và đi vào nền nếp. Bên cạnh tiến hành rà soát thường xuyên, hằng năm UBND tỉnh còn ban hành kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật để hoạt động này được triển khai toàn diện, quy củ hơn. Qua hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chức năng đã phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời xử lý cho phù hợp. Nhờ vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ngày càng tinh gọn, chất lượng các văn bản cũng được nâng cao hơn.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và công dân trong việc tra cứu, áp dụng hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, hằng năm UBND các cấp đều công bố Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực trong năm. Các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh sau khi ban hành được đăng công báo và cập nhật đầy đủ, kịp thời trên cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Các văn bản được gửi nhận qua hệ thống phần mềm Idesk tạo thuận lợi trong việc xử lý văn bản; giải quyết công việc nhanh chóng, linh hoạt hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dù việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, để công tác này “thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển, tạo động lực phát triển, phát huy các nguồn lực”, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Phan Hiền
Ý kiến bạn đọc