Đảm bảo thực hiện các quyền dân sự, chính trị theo tinh thần Công ước quốc tế
Là bộ phận cơ bản, quan trọng nhất của quyền con người, các quyền dân sự, chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 và cụ thể hóa bằng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc năm 1966.
Từ khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị vào ngày 24/9/1982, Nhà nước ta đã có những nỗ lực đảm bảo các quyền cơ bản trong Công ước được tôn trọng và thực thi. Việc đảm bảo quyền dân sự, chính trị được thể hiện ở hai khía cạnh: nội luật hóa các quy định của Công ước trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Nhà nước; và thực hiện các chính sách, pháp luật đã ban hành trên thực tế cuộc sống.
Ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, quyền con người, quyền dân sự, chính trị của công dân đã được ghi nhận trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước ta, được tiếp tục mở rộng, nâng cao trong các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp 1980. Tuy nhiên, chỉ đến khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị thì các quyền này mới được ghi nhận đầy đủ và hoàn thiện trong hệ thống văn bản pháp luật nước ta.
Đối với các quyền dân sự, Nhà nước ta đã ban hành khá đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhóm quyền này, phù hợp với nội dung của Công ước. Quyền sống là quyền tự nhiên, thiêng liêng của con người đã được ghi nhận tại Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Quyền này được quy định cụ thể tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”; khoản 1 Điều 33 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật khác như: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016... và một số nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Thông tư của các bộ, ngành cũng chứa nhiều quy định ghi nhận và bảo vệ quyền sống của con người.
Người dân buôn Ako Dhong (TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đi bỏ phiếu bầu cử. Ảnh: Hoàng Gia |
Quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người tại các Điều 7, 10, 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị đã được quy định thống nhất, đồng bộ trong các văn bản pháp luật Việt Nam, tạo nền tảng pháp lý vững chắc nhất để ngăn chặn và trừng trị những hành vi tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay bị hạ nhục. Theo đó, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Tiếp đó, quyền này được quy định cụ thể tại Điều 33, 34 Bộ luật Dân sự 2015: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ” (khoản 1 Điều 34). Ngoài ra, Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật An ninh mạng năm 2018 và một số nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành cũng chứa quy định nhằm bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm uy tín của con người.
Ngoài các quyền nêu trên, một số quyền dân sự cơ bản khác của Công ước cũng đã được quy định cụ thể, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, tạo khung pháp lý hoàn chỉnh để bảo vệ các quyền dân sự của con người. Ví dụ, nhóm quyền không bị nô lệ, lao động khổ sai hay lao động cưỡng bức quy định tại Điều 8 Công ước được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2017, Bộ Luật Lao động 2019, Luật Trẻ em 2016, Luật Phòng, chống mua, bán người. Quyền được đối xử nhân đạo của người bị tước tự do tại Điều 10 Công ước đã được cụ thể hóa bằng Luật Thi hành án hình sự và các văn bản có liên quan, nhằm tôn trọng các quyền cơ bản của những người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù. Quyền tự do đi lại và cư trú tại Điều 12 Công ước được ghi nhận, quy định cụ thể bởi Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự, Luật Cư trú. Quyền bảo vệ sự riêng tư tại Điều 17 Công ước được ghi nhận cụ thể tại Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng… Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo tại Điều 18 Công ước được bảo vệ bằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ngôn luận được quy định tại Luật Báo chí; quyền kết hôn và lập gia đình được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình…
Các quyền chính trị được Nhà nước ta đảm bảo và tôn trọng, thể hiện xuyên suốt hệ thống pháp luật, phù hợp với chuẩn mực, tinh thần của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Trước hết, quyền tự do lập hội được quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội danh xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân, Chương XV - Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động quản lý hội và một số văn bản hướng dẫn thi hành khác. Các quyền của công dân về tham gia quản lý xã hội, bầu cử, ứng cử được quy định tại Điều 27, 28, 29 Hiến pháp 2013; Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản khác có liên quan.
Để đảm bảo các chính sách, pháp luật nói chung và các quy định về quyền dân sự, nói riêng được triển khai trên thực tế, Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện việc kiểm tra, giám sát tình hình thi hành pháp luật, bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ, chăm lo đời sống nhân dân…
Phan Hiền
Ý kiến bạn đọc