Multimedia Đọc Báo in

Nội lực quan trọng từ nguồn lực đất đai

07:38, 10/05/2022

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước không ngừng đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực để phát triển đất nước.

Nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất có hiệu quả

Kể từ sau khi Luật Đất đai ra đời lần đầu tiên năm 1987, trải qua quá trình hoàn thiện chính sách và pháp luật về đất đai (năm 1993, 2003 và 2013) với nhiều lần sửa đổi, bổ sung theo từng thời kỳ phù hợp, đến nay, hệ thống chính sách và pháp luật về đất đai đã căn bản giải quyết được những vấn đề liên quan đến quản lý đất đai trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đất đai đã từng bước nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất có hiệu quả, tạo ra nguồn lực lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước thông qua tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho người dân, doanh nghiệp cũng như khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ đất đai.

Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng trong đó có đất đai. Trong 13.125,37 km2 (1.312.537 ha) đất tự nhiên, có gần 630.000 ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 50% là đất đỏ bazan rất thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; hơn 700 ha đất các cụm công nghiệp, khu công nghiệp; trên 10.000 ha đất có tiềm năng cho điện năng lượng tái tạo; gần 280.000 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với hệ sinh thái đa dạng.

Với nguồn tài nguyên đất đai và cảnh quan phong phú, huyện Lắk có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và nông nghiệp. Ảnh: Đức Long

Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác quản lý tài nguyên nói chung và đất đai nói riêng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, các chương trình, kế hoạch, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ để đảm bảo cho công tác quản lý tài nguyên trên địa bàn. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn tỉnh được nghiêm túc tổ chức thực hiện, trong đó chú trọng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nông thôn đến năm 2020 với tỷ lệ lập, phê duyệt quy hoạch chung đạt 100%. Về quy hoạch khu chức năng, đã xây dựng 2 khu công nghiệp (Phú Xuân, Hòa Phú); quy hoạch chi tiết xây dựng 5 cụm công nghiệp (Tân An, Ea Ral, Krông Búk 1, Ea Đar, M'Drắk); 3 khu du lịch (Hồ Lắk, cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur, cụm thác Buôn Đôn).

Để nguồn lực trở thành động lực

Tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, bên cạnh những chuyển biến tích cực và những kết quả nổi bật đã đạt được trong gần 10 năm thực hiện quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng; thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Trên cơ sở đó, đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai sát hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Thi công công trình đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột.

Tại Đắk Lắk, để khai thác, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành tài nguyên – môi trường cùng các ngành liên quan tập trung rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh quy định về hạn mức giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đất… theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho người dân và doanh nghiệp; khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng công nghiệp, giao thông và các khu vực phụ cận; chỉnh trang đô thị và xây dựng các khu đô thị mới.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối liên thông với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên.

Song song đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, siết chặt quản lý xây dựng, đầu tư, không để xảy ra tình trạng vi phạm quy hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng quy hoạch sử dụng đất tích hợp, thiết lập hệ thống đăng ký và số hóa đất đai.

Hiện, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành quy hoạch sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố thời kỳ 2021 - 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng bản đồ tích hợp quy hoạch sử dụng đất với hệ thống quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm tối ưu hóa hiệu quả trong khai thác nguồn lực này.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cũng là đột phá chiến lược tạo nguồn lực và động lực mới góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.