Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk năm 2021: Đa dạng thể loại, phản ánh sát thực tiễn cuộc sống
Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk lần thứ II năm 2021 đã thực sự trở thành “sân chơi” để những người làm báo thể hiện chính kiến, sự trải nghiệm, hòa nhịp cùng dòng chảy cuộc sống. Những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống được phản ánh đa dạng, nhiều chiều qua các loại hình báo chí đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Phong phú loại hình, đa dạng nội dung
Ngay sau khi kế hoạch, thể lệ tổ chức Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk lần thứ II năm 2021 được công bố và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí Trung ương, ngành thường trú trên địa bàn tỉnh và các chi hội nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh đã triển khai, phổ biến, có hướng chỉ đạo, khuyến khích, động viên cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, hội viên tham gia. Ban Thư ký các chi hội và Hội Nhà báo tỉnh đã tiếp nhận tác phẩm dự giải, thành lập Ban tuyển chọn để sơ khảo, tuyển chọn tác phẩm. Trong số 155 tác phẩm tham dự giải, các đơn vị đã tuyển chọn được 84 tác phẩm gồm 162 bài, kỳ thuộc 5 loại hình báo chí: báo in, điện tử, ảnh, truyền hình, phát thanh vào vòng Chung khảo.
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng giải, Trưởng Ban giám khảo Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk năm 2021 Nguyễn Văn Phú đánh giá: số lượng tác phẩm tham dự giải năm 2021 nhiều hơn 44 tác phẩm so với năm 2020 với đầy đủ cả 5 loại hình báo chí. Nội dung các tác phẩm phản ánh toàn diện các lĩnh vực, địa bàn, những vấn đề bạn đọc quan tâm. Nhiều tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng, có chiều sâu, phân tích, lý giải rõ ràng, tạo sức lan tỏa rộng. Nhiều mô hình mới, cách làm năng động, điển hình tiên tiến và cả những mặt trái của đời sống xã hội như: "tín dụng đen", cho vay nặng lãi, phá rừng... đã phản ánh kịp thời hiện thực cuộc sống, góp phần làm rõ sự nỗ lực, vượt lên mọi hoàn cảnh, khó khăn để lãnh đạo, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ ở mỗi cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Một số tác phẩm điện tử có hình thức trình bày mới, sử dụng đa phương tiện tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc.
Mặc dù số lượng các loại hình, thể tài báo chí tham gia giải lần thứ II nhiều hơn, chất lượng cao hơn lần thứ I nhưng số lượng tác phẩm thể loại báo ảnh quá ít, chỉ có 4 tác phẩm. Đối tượng tham gia giải chủ yếu là phóng viên các cơ quan báo chí, ít cá nhân không chuyên gửi tác phẩm tham dự; 12 đài phát thanh – truyền hình cấp huyện không có tác phẩm dự giải. Đặc biệt, năm nay vẫn chưa có tác phẩm nào về phóng sự điều tra.
Phóng viên Báo Đắk Lắk tác nghiệp tại vùng tâm dịch COVID-19 xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) năm 2021. Ảnh: Minh Thuận |
Để nâng chất “sân chơi” chung
Chi hội Nhà báo Báo Đắk Lắk là một trong những đơn vị tích cực triển khai và có nhiều tác phẩm tham gia giải nhất. Trong số 62 tác phẩm dự thi, Ban Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Đắk Lắk đã tuyển chọn 22 tác phẩm thuộc các loại hình báo in, điện tử và ảnh tham dự vòng Chung khảo và đã có 15 tác phẩm đoạt giải.
Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Đinh Xuân Toản cho biết: Xác định Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk là một “sân chơi” lớn của những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên, Ban Biên tập Báo Đắk Lắk rất quan tâm chỉ đạo, định hướng, khuyến khích cán bộ, phóng viên, biên tập viên và cả cộng tác viên của đơn vị tham gia. Để có nhiều tác phẩm chất lượng tham dự giải, căn cứ vào định hướng tuyên truyền chung, Ban Biên tập đã định hướng, gợi ý, góp ý đề tài, đề cương và tạo điều kiện cho các tác giả triển khai thực hiện. Trong đó, đặc biệt chú ý đến những vấn đề thời sự, chính trị của địa phương, mang hơi thở cuộc sống, được bạn đọc quan tâm như: công tác xây dựng Đảng, dân vận, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo vệ rừng, phòng, chống dịch COVID-19, văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp... Những tác phẩm tham gia giải đã được đầu tư công phu, thể hiện trách nhiệm của nhà báo và khẳng định vị thế của tờ báo Đảng địa phương.
Tiếp nối thành công của Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk lần thứ I năm 2020 với 1 tác phẩm đoạt giải C, nhà báo Nguyễn Công Bắc, Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên đã phát huy thế mạnh của mình trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp để thực hiện các tác phẩm dài kỳ tham dự giải lần thứ II. Hai tác phẩm: “Nỗi lo mất rừng đi cùng nỗi lo mất cán bộ” và “Nghị quyết 30: Đòi hỏi từ thực tiễn công ty nông lâm nghiệp tại Tây Nguyên” của anh đều đoạt giải cao. Để hoàn thành những loạt bài trên, anh đã xâm nhập thực tế tại nhiều địa bàn của các tỉnh Tây Nguyên, gặp gỡ các cơ quan, đơn vị chức năng cùng với vốn kiến thức, hiểu biết trong lĩnh vực mình phụ trách, khả năng quan sát, tổng hợp, phân tích số liệu nhằm đánh giá thực trạng và chỉ ra gốc rễ của những vấn đề nổi cộm trên địa bàn khu vực Tây Nguyên. Nhà báo Công Bắc chia sẻ: “Mỗi tác phẩm mất vài tháng để hoàn thành, mang đặc trưng của thể loại phát thanh, có tiếng động hiện trường, lời phát biểu của nhân vật. Niềm vui nhân lên khi tác phẩm của mình được thính giả đón nhận và Hội đồng Giải ghi nhận vì đã thể hiện được tiếng nói của báo chí đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn tiêu cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc