Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV:
Quy định chế tài cụ thể để đảm bảo dân giám sát, dân thụ hưởng
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 14/6 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tham gia thảo luận, đa số đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đánh giá cao quá trình chuẩn bị, tiếp thu ý kiến tại các cuộc thảo luận, góp ý dự thảo luật của Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan.
Các đại biểu cho rằng, thời gian qua việc thực hiện dân chủ cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng, không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội thực hiện tốt hơn về việc làm chủ của nhân dân và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, tạo động lực thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương, các cấp, các ngành, xây dựng cộng đồng dân cư và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn hình thức, chưa rộng khắp, đồng đều ở các địa phương, khu vực và chưa tiến hành thường xuyên, liên tục, dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập cũng chưa được phát huy mạnh mẽ. Tình trạng vi phạm quyền dân chủ của nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi. Việc thực hiện pháp luật và dân chủ ở cơ sở cũng chưa thực sự gắn kết với nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt là trong việc xây dựng Đảng, cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Thực tế đã xảy ra trường hợp “phép vua thua lệ làng” như cộng đồng dân cư tự bàn bạc, đưa ra các quyết định trái pháp luật, chẳng hạn như lập rào chắn cho các xe, không cho các xe vận chuyển trong các tuyến đường thôn, xóm hoặc là thu các loại phí ngoài quy định mà khi chính quyền cơ sở biết được thì có sự việc đã đi quá xa, gây hậu quả cho xã hội…
Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu cụ thể về công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư để bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ, trực tiếp là bàn và quyết định theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời phải có chế tài cụ thể đối với các hành vi sai trái, trách nhiệm của người đề xuất các vấn đề nội bộ của cộng đồng dân cư, trách nhiệm của chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng cần quy định rõ trình tự thủ tục nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát. Theo đại biểu, mô hình nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát có đặc điểm riêng với chủ thể đối tượng trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý là khác nhau. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn quy định rất chung về trình tự, thủ tục nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát theo hướng dẫn, chiếu trung sang các quy định có liên quan.
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát phù hợp với mỗi hình thức kiểm tra, giám sát của nhân dân; nhất là trình tự thủ tục Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát để làm cơ sở thực hiện thống nhất trong thực tiễn và cũng là cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng trên, xác định và bổ sung quy định về cơ chế dân giám sát, dân thụ hưởng, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy nhà nước và chất lượng cán bộ, đảng viên. Cần thể chế hóa đầy đủ nội dung, phương châm dân giám sát, dân thụ hưởng.
Các nội dung quy định về chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh bạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa người dân phải “xin, cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội,… đối với nhân dân địa phương.
Đồng thời, quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tình hình, xử lý trí ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ban hành quy chế, quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ đối với nhân dân. Phải quy định chế tài cụ thể để đảm bảo điều kiện thực thi dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo đó, nếu không làm hoặc làm sai quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở thì phải chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng. Xem xét quy định về tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả hoạt động của chính quyền, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã…
*Cũng trong phiên làm việc sáng nay (14/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc