Multimedia Đọc Báo in

Để những “hạt giống đỏ” nảy mầm tươi tốt (kỳ 2)

08:28, 30/08/2022

Kỳ 2: Giải pháp hay, cách làm sáng tạo

Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn do thiếu nguồn, song nhiều tổ chức cơ sở đảng vẫn có những giải pháp hay, cách làm hiệu quả để không chỉ bảo đảm chỉ tiêu kết nạp đảng hằng năm mà còn nâng cao chất lượng đảng viên trẻ.

“Truyền lửa” từ các cấp ủy

Từ đầu đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Đảng bộ huyện Cư M’gar đã kết nạp được trên 300 đảng viên (toàn huyện hiện có 5.497 đảng viên), riêng năm 2021, phát triển được 126 đảng viên, vượt chỉ tiêu tỉnh giao 6 đồng chí. Đây không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình nỗ lực và quyết tâm từ huyện đến cơ sở. Theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cư M’gar Nguyễn Văn Minh, để khắc phục khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, "truyền lửa" đến từng đảng bộ, chi bộ trực thuộc. Hằng năm, Huyện ủy còn phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Huyện ủy viên phụ trách cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình thực tế để tham mưu cho Thường trực Huyện ủy tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đối với cấp cơ sở, các chi bộ cũng luôn theo dõi sát sao để phát hiện và giúp đỡ những hạt nhân ưu tú cho Đảng.

Đảng viên Chi bộ buôn M'Brê, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột (thứ hai từ phải sang) trò chuyện với quần chúng ưu tú của buôn.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy Cư M’gar, hằng năm, Đảng bộ xã Ea M’nang đã đề ra nhiều giải pháp mang tính “căn cơ” như: giao chỉ tiêu cho các chi bộ, tổ chức hội, đoàn thể rà soát, xây dựng nguồn và có kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục quần chúng ưu tú. Mặt khác, chỉ đạo các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt, phát động nhiều phong trào thi đua ở cơ sở để tạo môi trường cho quần chúng được rèn luyện, phấn đấu và thể hiện mình; phân công, gắn trách nhiệm mỗi đảng viên có kinh nghiệm, có uy tín giúp đỡ quần chúng ưu tú trong quá trình phấn đấu, rèn luyện... Với cách làm đó, hằng năm, xã Ea M’nang không chỉ hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mới mà còn xây dựng được nguồn cho năm sau.

 

“Từ năm 2015 đến nay, Thành ủy Buôn Ma Thuột luôn vượt chỉ tiêu kết nạp đảng tỉnh giao hằng năm. Để thực hiện tốt công tác phát triển đảng, then chốt vẫn là tính chủ động của cấp ủy cơ sở" - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Buôn Ma Thuột Trần Vũ Cường.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, những năm qua, Đảng bộ phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) khó tìm nguồn kết nạp đảng ở chi bộ khu dân cư. Bí thư Đảng ủy phường Chu Văn Việt cho hay, trước thực trạng đó, Đảng ủy phường đã sáng tạo, mở rộng phát triển đảng đến các trường học ngoài công lập. Trên địa bàn phường có Trường Tiểu học - THCS - THPT Hoàng Việt và Trường THPT Đông Du. Thường trực Đảng ủy đã chủ động đến làm việc, khéo léo vận động để lãnh đạo hai trường này tạo điều kiện cho người lao động kết nạp đảng. Qua quá trình phát triển, hai trường đã đủ điều kiện thành lập chi bộ riêng. Với lợi thế về nguồn sẵn có, Đảng ủy phường còn tiếp tục đề nghị chi bộ hai trường này tạo điều kiện phát triển đảng viên là học sinh tiêu biểu khối lớp 12.

Chiến lược “giữ chân” lực lượng trẻ

Đồng chí Nguyễn Công Định, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) chia sẻ: Nguồn kết nạp đảng ở xã hiện nay không hiếm nhưng lại rất khó bởi đa phần lực lượng lao động trẻ đi làm ăn xa. Vì vậy để khắc phục bất cập này, Đảng ủy xã đã xác định phải tìm giải pháp để “giữ chân” người lao động tại địa phương. Theo đó, bên cạnh việc thúc đẩy đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm thường xuyên giúp người dân nâng cao thu nhập, xã còn ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi cho lao động trẻ lập nghiệp, phát triển kinh tế, từ đó phát hiện, bồi dưỡng nhân tố kết nạp đảng. Các chi bộ cơ sở cũng triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân tích cực xây dựng mô hình đa cây, đa con theo quy mô gia trại, trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nhiều lao động trẻ không phải đi làm ăn xa mà lập thân, lập nghiệp tại địa phương. Toàn xã hiện có hơn 20 mô hình kinh tế nông nghiệp quy mô trang trại, gia trại do đoàn viên thanh niên làm chủ; nhiều cơ sở nghề như rèn, cơ khí, sửa chữa máy móc, điện lạnh… hình thành và phát triển. Những năm qua, nguồn kết nạp đảng của xã khá ổn định.

Một gia đình Hội viên phụ nữ xã Ea Tar phát triển kinh tế nhờ mô hình nuôi dê.

Địa bàn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), hiện có hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động (cả trong và ngoài khu công nghiệp Hòa Phú). Bí thư Đảng ủy xã Y Doan Niê chia sẻ: Nắm bắt lợi thế đó, những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã chủ động liên hệ với chủ các doanh nghiệp để kết nối, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên của xã. Điều này vừa giúp giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, vừa tạo được nguồn để phát triển đảng hằng năm.

Còn với những thanh niên có trình độ, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở về thì xã Hòa Phú cũng động viên, tạo điều kiện tham gia các hoạt động, phong trào địa phương để phấn đấu trở thành quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng. Đa phần các đảng viên này sẽ được giao nhiệm vụ như cán bộ đoàn, hội ở cơ sở để thử thách, rèn luyện, phấn đấu. Trong số đó phải kể đến đảng viên H’Ngân Niê ở buôn M’Brê. Năm 2015, tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên (chuyên ngành Sư phạm) về địa phương, H’Ngân đã tích cực tham gia các phong trào địa phương và đến năm 2019 được kết nạp đảng. Quá trình phấn đấu, đến năm 2021, H’Ngân được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã kiêm Bí thư Chi bộ buôn M’Brê.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Bảo đảm "hồng" và "chuyên" trong phát triển đảng

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.