Sức mạnh đại đoàn kết làm nên thắng lợi vĩ đại
Cách mạng Tháng Tám 1945 thực sự là biểu trưng, kết quả của khối đại đoàn kết dân tộc - hội tụ của các nguồn xung lực hồi sinh mạnh mẽ của toàn dân tộc trong thời khắc bước ngoặt lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực tiễn thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc là Đảng ta đã xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng được niềm tin để mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội, các tôn giáo, giai cấp... đều đồng lòng ủng hộ cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Bài học xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân được Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vận dụng khi thành lập, tổ chức và triển khai hoạt động của Mặt trận Việt Minh. Trong Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh khẳng định “Chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”[1]. Đồng thời khẳng định: “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập”[2].
Cùng với đó, 44 điểm trong Chương trình của Mặt trận Việt Minh là một hệ thống các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa - giáo dục, xã hội, ngoại giao; những chính sách cụ thể đối với các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, trí thức, công chức, học sinh, phụ nữ, tư sản, địa chủ… Bên cạnh đó, Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh được đúc kết thành 10 chính sách lớn được thực hiện ở khu giải phóng Việt Bắc và được Đại hội Quốc dân Tân Trào thông qua tháng 8/1945, trở thành chính sách cơ bản sau này của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ cuối năm 1941 đến năm 1942, các hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Quân nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc... đã được thành lập, đó chính là cơ sở quan trọng để đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc.
Giữa tháng 8/1945, lực lượng vũ trang và quần chúng nô nức, hừng hực khí thế khởi nghĩa. Đảng họp hội nghị toàn quốc ở Tân Trào khẳng định cơ hội tốt cho dân tộc ta giành độc lập đã tới và quyết định chương trình hành động. Đại hội quốc dân họp nhất trí chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Chương trình của Việt Minh. Khi thời cơ ngàn năm có một đã tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc đồng bào gia nhập Việt Minh, đoàn kết chung quanh Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhân dân cả nước triệu người như một dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề nổi dậy từ khởi nghĩa từng phần đến phạm vi cả nước. Chỉ trong 15 ngày, với sự đoàn kết của toàn dân, cả lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, trong đó lực lượng chính trị của quần chúng đóng vai trò quyết định chủ yếu, tạo nên sức mạnh to lớn trong tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Ảnh tư liệu |
Có thể nói, với vai trò là đội tiền phong của giai cấp công nhân và của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy khả năng to lớn của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, tạo ra sức mạnh của toàn dân tộc. Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước hiện nay, Đảng cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và sự đồng thuận của toàn xã hội trong tiến trình xây đựng đất nước.
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3]. Do đó, để tập hợp sức mạnh của quần chúng nhân dân trong giai đoạn hiện nay cần đặc biệt quan tâm thực hiện dân chủ ở cơ sở, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cơ hội, cục bộ, bè phái; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, qua đó, không ngừng tăng cường tiềm lực chính trị, tinh thần của đất nước và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trọng tâm là toàn Đảng tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân. Đề cao vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người có chức, có quyền; kiên quyết chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật để củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Cẩm Trang
Tài liệu tham khảo
[1] Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.461
[2] Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.461
[3] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 172.
Ý kiến bạn đọc