Multimedia Đọc Báo in

"4 không, 4 dám": Đảng mạnh dân tin (Kỳ 2)

08:00, 28/09/2022

Kỳ 2: Hiện thực hóa quyết tâm “4 không”

Làm cho đội ngũ cán bộ, công chức “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng là quyết tâm mạnh mẽ, xuyên suốt trong của quá trình lãnh đạo của Đảng. Dẫu quá trình đầy gian khó, nhưng những giải pháp kiểm soát quyền lực mà Đảng ta đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện bằng kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước, đồng thời phát huy vai trò của hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án chính là để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) được thực thi nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả.

Hoàn thiện “lồng cơ chế”  để “nhốt” quyền lực

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC khẳng định: Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC được rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện nghiêm túc, vừa để giáo dục, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện, xử lý sai phạm.

Trong 10 năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hơn 250 văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và PCTNTC. Nhất là các quy định về PCTNTC, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Đoàn kiểm tra số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào tháng 5/2022.

Đảng đoàn Quốc hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa kịp thời, đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC, từng bước khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật. Nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có nhiều nội dung mới, đã xây dựng được cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng hơn; cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng cụ thể, rõ ràng với hình thức xử lý nghiêm khắc hơn; mở rộng và áp dụng một số biện pháp PCTNTC ra nhiều khu vực ngoài Nhà nước.

Để xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo, phát triển, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết gỡ bỏ các rào cản, loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, minh bạch, có biểu hiện “lợi ích nhóm”. Chính phủ,  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.478 nghị định, 545 quyết định và nhiều nghị quyết về quản lý kinh tế - xã hội, PCTNTC. Điều đó cho thấy, hệ thống thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC không ngừng được hoàn thiện, công khai, minh bạch, khả thi, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng. 

PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho rằng: “Lồng cơ chế” đó chính là kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước, là tín nhiệm của nhân dân. Một hệ thống quy định chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ sẽ giúp Đảng ta lựa chọn được đội ngũ cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên", có đức, có tài; đồng thời loại bỏ những kẽ hở về cơ chế, không để lọt những cán bộ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, không đủ năng lực và uy tín, cơ hội, cục bộ, vị kỷ, dựa vào hệ thống chính trị để tham nhũng, trục lợi, chạy chức, chạy quyền, lạm quyền. Đây vừa là mục tiêu nhưng đồng thời quyết tâm chính trị mà Đảng ta đang tập trung hiện thực hóa. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ: “Phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn; ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. 

Mài sắc “bảo kiếm” của Đảng

Có thể khẳng định, thời gian qua, đặc biệt là từ nhiệm kỳ XI của Đảng đến nay, Đảng ta sử dụng "bảo kiếm" ngày càng hiệu quả, sắc bén. Hoạt động kiểm tra, giám sát (KTGS) của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh PCTNTC; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Các cơ quan chức năng tống đạt các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam tại CDC Đắk Lắk vào tháng 5/2022 liên quan đến sai phạm trong việc mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.
 

Để “không dám tham nhũng” phải tăng nặng chế tài. Để “không thể tham nhũng” phải bịt kín các kẽ hở của luật, công khai, minh bạch, kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức. Để “không cần tham nhũng” phải đột phá trong cải cách tiền lương. Để  “không muốn tham nhũng” phải tăng cường giáo dục, đào tạo cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới".

 
PGS. TS. Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lê Văn Nghĩa cho biết: Thời gian qua, công tác KTGS của tỉnh được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC. Trước thực tiễn đặt ra trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra yêu cầu: Đẩy mạnh công tác KTGS; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thực hiện nghiêm các quy định kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; chống chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp; kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.

Để giữ gìn kỷ cương, kỷ luật, góp phần làm trong sạch, vững mạnh nội bộ Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KTGS và thi hành kỷ luật Đảng. Thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát theo phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, ủy ban kiểm tra đã chủ động KTGS thường xuyên, liên tục, toàn diện; coi trọng phòng ngừa, lấy xây là chính; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn đánh giá: Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ; việc kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, để tiếp tục kiểm soát quyền lực, phòng, chống cán bộ vi phạm pháp luật, kỷ luật quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, ngày 18/4/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 34 về chiến lược công tác KTGS của Đảng đến năm 2030.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón khẳng định: “Quyết tâm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có tác dụng lan tỏa xuống cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, qua đó bước đầu khắc phục hiệu quả tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong công tác KTGS, thi hành kỷ luật đảng. Với phương châm “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”, ngành kiểm tra đảng tiếp tục là "thanh bảo kiếm" của Đảng, góp phần không nhỏ trong xây dựng, vun đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trước tình hình vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, nghiêm trọng hơn về mức độ, nguy cơ gia tăng về số lượng; các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, “lạm quyền”, “lộng quyền”, vi phạm nguyên tắc tổ chức đảng còn nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành, công tác KTGS của Đảng sẽ tăng cường các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn, tiếp tục chủ động đi trước mở đường, bảo đảm việc xử lý kỷ luật  kiên quyết, nghiêm minh "không có vùng cấm, không có vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không có hạ cánh an toàn".

(Còn nữa)

Kỳ 3: “Biệt dược” chữa “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực

Lê Hương - Nguyễn  Xuân - Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.