Multimedia Đọc Báo in

“Binh chủng” đặc biệt trên mặt trận tư tưởng (Kỳ 1)

09:04, 14/09/2022

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là sau 35 năm đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta không ngừng được củng cố, tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, thành quả cách mạng ấy có sự đóng góp tích cực của báo chí cách mạng Việt Nam. 

Với sứ mệnh thiêng liêng của mình, báo chí đã trở thành “binh chủng” đặc biệt trên mặt trận tư tưởng văn hóa, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đồng hành với sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Kỳ 1: Báo Đảng địa phương xung kích trên mặt trận không tiếng súng

Bằng nhiều hình thức khác nhau, trực diện hay gián tiếp, hòa chung trong dòng chảy lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam, báo Đảng địa phương đang ngày một thể hiện vai trò tích cực trong việc góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi nhà báo đã trở thành một "chiến sĩ" xung kích trên mặt trận tuy không có tiếng súng nhưng cũng đầy cam go, thử thách.

Đấu tranh trực diện

Lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, các thế lực thù địch đã khai thác triệt để mạng xã hội - “vùng đất” không biên giới này để loan tin bịa đặt, chống phá Đảng, chế độ, Nhà nước… Nhận thấy mạng xã hội Youtube có tính lan tỏa nhanh và thu hút nhiều đối tượng, lứa tuổi, giới tính, tháng 3/2021, Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng Đề án 216 nhằm phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Ngày 30/8/2021, chương trình đầu tiên chính thức lên Diễn đàn 216 trên Youtube với chủ đề “Chuyện tốt và xấu trong đại dịch COVID-19”, “Cờ đỏ, cờ vàng” đã thu hút 400 - 900 lượt xem/chương trình, khoảng 200 người đăng ký. Sau 1 năm đi vào hoạt động, với 98 chương trình, Diễn đàn 216 đã thu hút 2,7 triệu lượt xem, 29.000 người đăng ký theo dõi.

Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Nhà báo Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Mặc dù có thời điểm kênh phát triển chậm, thậm chí có dấu hiệu thụt lùi, nhưng với quyết tâm đạt mục tiêu 1.000 người theo dõi/3 tháng, bắt buộc đội ngũ làm chương trình phải đổi mới trong cách lựa chọn đề tài phản bác cũng như cách thức phản bác. Với các cách làm: phản bác theo chuyên đề (trực diện, chuyên sâu), phản bác lồng ghép (mượn sự kiện, vấn đề dư luận quan tâm, lồng ghép hợp lý nội dung phản bác các quan điểm sai trái thù địch), phản bác trong phản biện, phản bác trong phản ánh, các chương trình của Diễn đàn trở nên phong phú và đã thu hút được người xem, lượng truy cập cũng như thành viên đăng ký ngày càng tăng. Các chương trình đã góp phần đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về nhân quyền, nội chiến, quan điểm xét lại lịch sử…

Có thể thấy, việc đấu tranh trực diện trên các mạng xã hội gặp không ít khó khăn, trở ngại, đòi hỏi người thực hiện phải bản lĩnh, giàu kinh nghiệm, không ngại va chạm, đôi khi phải chấp nhận rủi ro. Nhà báo Lê Văn Tòa chia sẻ thêm: “Trên môi trường Internet phải chịu sự giám sát của cộng đồng mạng không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài, vì vậy, người phản bác phải chuẩn bị đề cương bài nói kỹ càng, trang bị lập luận sắc bén, kiến thức uyên thâm, bản lĩnh chính trị vững vàng để người bị phản bác phải tâm phục khẩu phục”.

Xây dựng và mở rộng mạng lưới cộng tác viên

Với sự bùng nổ của các mạng xã hội, các thế lực thù địch, phần tử phản động đã lợi dụng triệt để những công cụ này để chống phá Đảng, Nhà nước ngày một quyết liệt, tinh vi hơn. Trước "túi" thông tin khổng lồ không được xác thực, kiểm chứng này, người tiếp nhận dễ hoang mang, bị dẫn dắt, kích động, tạo ra các yếu tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Có thể thấy rõ điều đó khi các thế lực thù địch lợi dụng diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Biển Đông để xuyên tạc, bịa đặt, bôi đen thành quả cách mạng của Đảng, dân tộc ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Hay như trong “cuộc chiến” với đại dịch COVID-19, các phần tử xấu cũng tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc chống phá sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân.

Với nhiều chương trình, tuyến bài phản bác qua các chuyên mục như: “Đối diện” của Đài Truyền hình Việt Nam, “Nhìn thẳng – nói đúng” của Đài Tiếng nói Việt Nam, “Phòng, chống diễn biến hòa bình” của Báo Quân đội Nhân dân, “Nhận diện sự thật” của Truyền hình Quốc phòng, “Nhận diện, đấu tranh với thông tin xấu, độc trước thềm Đại hội XIII của Đảng” của Tạp chí Quốc phòng toàn dân… báo chí đã đập tan những luận điệu xuyên tạc, chống phá, giúp người dân hiểu rõ âm mưu và mục đích đen tối của các thế lực thù địch.

Báo Đảng địa phương luôn phản ánh kịp thời sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm Ban Trị sự Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, đối với báo Đảng địa phương để xây dựng chuyên mục, chương trình đấu tranh trực diện gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn. Tìm giải pháp cho công tác tuyên truyền chống âm mưu diễn biến hòa bình, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Báo Quảng Trị đã phối hợp với Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Quảng trị tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” năm 2022. Sau hơn 4 tháng phát động (17/2 - 1/5) Ban tổ chức cuộc thi đã tiếp nhận 161 bài dự thi có chất lượng được 56 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc sàng lọc, lựa chọn trong số 1.297 bài dự thi. Bên cạnh đề cập đến những chủ đề hay, hấp dẫn, nội dung các bài thi đã đi sâu phân tích tình hình thực tế của sự việc, liên hệ với thực tiễn cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, đề xuất những giải pháp cụ thể trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay trên các lĩnh vực công tác.

 
Nếu báo chí Trung ương mạnh về nền tảng lý luận, tích cực thông tin sâu sắc về mảng nội dung nghiên cứu lý luận chính trị thì báo Đảng địa phương bám sát địa bàn, luôn có những phương pháp, cách làm riêng trong đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, nhất là trong các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi

Nhà báo Trương Đức Minh Tứ, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị, Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng trị khẳng định: Việc làm bài dự thi đã giúp cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ người làm báo nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của bản thân đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới bằng hành động, việc làm cụ thể và phù hợp. Từ đó phát hiện, xây dựng và mở rộng mạng lưới cộng tác viên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho báo Đảng địa phương. Cũng thông qua cuộc thi, ban tổ chức phát hiện được nhiều cây bút chính luận sắc bén như: Lê Thị Ái Quyên (Chi bộ Cơ quan Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Quảng trị) với tác phẩm “Đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề xung đột Nga - Ukraine trên không gian mạng”, Mai Thị Thu Hương (Chi bộ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị) với tác phẩm “Nhận diện mũi tấn công thâm độc của các thế lực thù địch vào vùng dân tộc thiểu số, biên giới để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam”. Đây cũng chính là một trong những "nguồn lực" quan trọng cho Báo Quảng Trị trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị trong thời gian sắp tới.

Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu

Có thành phần dân tộc đa dạng với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số; đời sống tôn giáo phong phú với trên 600 nghìn tín đồ chiếm 32% dân số, 829 cơ sở và điểm nhóm sinh hoạt, Đắk Lắk vì vậy trở thành địa bàn bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để kích động và tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây rối an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Mô hình sản xuất hỗ trợ từ nguồn Quỹ tiết kiệm làm theo lời Bác tại huyện Krông Pắc được Báo Đắk Lắk tuyên truyền, lan tỏa.

Là cơ quan báo chí của địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở khu vực Tây Nguyên, Báo Đắk Lắk luôn không ngừng đổi mới và phát triển, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Với việc chú trọng thông tin về các nghị quyết, chương trình của Đảng, Nhà nước trong cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, những bài viết trên Báo Đắk Lắk luôn mang hơi thở cuộc sống của buôn làng trong công cuộc đổi mới đất nước. Trong đó, tập trung các tuyến bài tuyên truyền những gương điển hình tiên tiến, sống tốt đời đẹp đạo; gương đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa; các hoạt động tương thân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong các cộng đồng dân tộc… Qua đó, đã góp phần thể hiện sự nhất quán trong nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trong công tác lãnh đạo của Đảng về thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo. Đồng thời củng cố thêm niềm tin của các cộng đồng dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; đập tan các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và phản động quốc tế trong các hoạt động diễn biến hòa bình, bạo loạn, ly khai, lật đổ.

Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương Trần Đoàn Hưng khẳng định: “Trong dòng chảy của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, các cơ quan báo Đảng địa phương giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền tải thông tin, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Bám sát định hướng tuyên truyền, dòng thông tin chủ đạo trên báo Đảng địa phương đã phản ánh cái đẹp, cái tốt của đời sống xã hội, tạo sức lan tỏa, định hướng dư luận xã hội, động viên, cổ vũ nhân dân. Việc bám sát, đi sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống người dân, phản ánh một cách toàn diện đời sống kinh  tế - xã hội cũng như đồng hành với chính quyền địa phương trong xử lý các vụ việc bức xúc, nổi cộm, báo chí đã góp phần củng cố niềm tin của người dân. Niềm tin nhân dân chính là bức tường thành vững chãi nhất không một thế lực thù địch nào có thể công phá”.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Mỗi cơ quan báo chí là một “pháo đài” chính trị tư tưởng

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.