Multimedia Đọc Báo in

Nhớ lời Bác dạy "Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

09:00, 26/09/2022

Ngày 31/5/1946, trước khi đi Pháp “tìm kiếm một giải pháp hòa bình” nhằm duy trì nền độc lập vừa mới giành được, bảo vệ chính quyền non trẻ và từng bước đưa đất nước vượt qua hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng anh em giải quyết cho, mong cụ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Câu nói của Người thể hiện quan điểm kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa nguyên tắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển về sách lược, giữa đường lối và sách lược cách mạng Việt Nam trong những ngày đầu lập nước.

1. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” tức là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (luôn thay đổi). Với Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những điều tôi muốn”; “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Nước ta là một, dân tộc ta là một”; “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”… là cái bất biến. Để thực hiện được cái bất biến ấy, trong những tình thế hiểm nghèo, người cách mạng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm, sáng suốt và mưu lược để áp dụng muôn vàn cái “vạn biến” trong đường đi nước bước mà hoàn cảnh đặt ra và đỏi hỏi phải giải quyết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên Chính phủ Liên hiệp lâm thời tại kỳ họp thứ Nhất - Quốc hội khóa I.

Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cho nên dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam là nhiệm vụ cao cả, duy nhất lúc này, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Các công tác phải phối hợp và liên hệ với nhau, bộ phận phối hợp với toàn cục… Mỗi công tác phải phù hợp với từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh”… Đó chính là sự mềm dẻo, linh hoạt về sách lược - chính là “ứng vạn biến”. 

Để thực hiện “dĩ bất biến” thì phải luôn mềm dẻo, sáng tạo trong sách lược, trong từng thời điểm và trên mọi lĩnh vực trong công cuộc đấu tranh cách mạng: Linh hoạt, uyển chuyển nhưng không xa rời nguyên tắc; vô cùng cương nghị, cứng rắn về những vấn đề nguyên tắc, nhưng không xơ cứng, sáo mòn. Mối quan hệ biện chứng giữa “bất biến” và “vạn biến” đã được Người nhận thức và giải quyết triệt để, nhất quán, sáng tạo trong từng hoàn cảnh lịch sử. Mục tiêu chiến lược là bất di bất dịch, nhưng tùy hoàn cảnh cụ thể ở trong nước và quốc tế, tùy từng giai đoạn lịch sử mà đề ra những sách lược phù hợp.

2. Trước bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa mới ra đời, chưa được quốc gia nào trên thế giới công nhận, ngược lại chúng ta phải “bốn bề thọ địch”, càng đòi hỏi sự khôn khéo, mềm dẻo và tinh tế trong từng sách lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Moute ký kết Tạm ước 14/9/1946.

Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải đối phó với nạn thù trong giặc ngoài để bảo vệ thành quả cách mạng, buộc Chính phủ phải “ứng vạn biến” với tình hình: Chấp nhận chọn giải pháp tránh cùng một lúc phải đối đầu với nhiều kẻ thù, thực hiện nhân nhượng với quân Tàu – Tưởng ở phía Bắc để đánh Pháp; rồi tạm thời hòa hoãn với Pháp và ký kết Hiệp định sơ bộ 6-3 để loại Tưởng…, đó là sự chấp nhận như một bước lùi về sách lược, nhằm duy trì hòa bình tới mức có thể, tranh thủ thời gian để chúng ta xây dựng và củng cố lực lượng, nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến với thực dân Pháp chắc chắn nổ ra. Trì hoãn cuộc chiến tranh ấy tới chậm ngày nào, là có lợi cho chúng ta ngày đó. Chính vì vậy, cuối tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thân chinh sang Pháp để cứu vãn nền hòa bình đang bị uy hiếp nghiêm trọng. Trước khi đi, Người đã trao quyền Chủ tịch nước cho nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Đó là niềm tin mà Người đặt vào cụ Huỳnh, một nhà yêu nước chính trực, uyên thâm và được nhân dân trọng nể; người có đủ dũng khí để thay mặt quốc dân ứng phó trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng với kế sách “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cụ Huỳnh khẳng khái “Xin Cụ cứ tin ở tôi”!

Với cương vị quyền Chủ tịch nước trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, cụ Huỳnh đã chủ động giải quyết nhiều công việc trong Chính phủ, sáng tạo trong điều hành bộ máy Nhà nước, chủ tọa các phiên họp Hội đồng Chính phủ, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề về đối nội và đối ngoại, về quốc kế - dân sinh theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thời gian này cụ Huỳnh ký, ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng của đất nước với phương châm vừa mềm dẻo, linh hoạt, đầy cương quyết trong xử lý triệt để các lực lượng chống phá cách mạng. Đặc biệt, cụ Huỳnh kiên quyết chỉ đạo lực lượng an ninh trấn áp, triệt phá dứt điểm âm mưu đảo chính của bọn Quốc dân đảng trong vụ án ở phố Ôn Như Hầu (tháng 7/1946). Đây quả là thành công lớn, có ý nghĩa quan trọng “ứng vạn biến” để bảo vệ nền độc lập nước nhà.

 Trong hơn 4 tháng ở  Pháp với nhiều hoạt động “cứu vãn hòa bình”, trong đó Tạm ước 14/9/1946 được ký kết giữa Hồ Chí Minh với Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp Moute càng cho thấy sự nhanh nhạy, linh hoạt và khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm kiếm giải pháp nhằm duy trì nền hòa bình dài nhất có thể!

Sau khi về nước, ngày 23/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời tuyên bố với quốc dân đồng bào, Người nhấn mạnh: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh - quyền Chủ tịch nước, sự săn sóc của Quốc hội, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân mà giải quyết được nhiều khó khăn, công việc kiến thiết đất nước cũng có nhiều tiến bộ…”.

Có được những thành công đó, chính là sự vận dụng hiệu quả kế sách hành động “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng, cùng các thành viên Chính phủ triệt để thực hiện trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám.

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.