Multimedia Đọc Báo in

Tự do tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Quyền gắn liền trách nhiệm!

08:17, 26/09/2022

Hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong tỉnh, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Nhờ đó đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo mối đoàn kết toàn dân.

Quyền tự do tôn giáo được bảo đảm

Đắk Lắk hiện có 615.222 tín đồ tôn giáo (chiếm khoảng 32% dân số), trong đó 255.267 tín đồ là người DTTS, sinh hoạt chủ yếu tại 4 tôn giáo lớn là Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài. Toàn tỉnh có 356 cơ sở và điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo với 1.395 chức sắc, tu sĩ.

Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Trưởng Ban Tôn giáo - Sở nội vụ cho biết, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo luôn được tỉnh quan tâm thực hiện chu đáo; kịp thời giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, không để tồn đọng vụ việc dễ phát sinh "điểm nóng". Từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2018), UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo không còn hiệu lực để sửa đổi, thay thế. Đồng thời rà soát, công bố các thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tế tại địa phương.

Mục sư nhiệm chức Ai Krôl, Chi hội Tin lành Ea Hiu (huyện Krông Pắc) trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí.

Việc giải quyết các nhu cầu tôn giáo luôn đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất và đúng pháp luật, đáp ứng nguyện vọng của tín đồ các tôn giáo. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã giải quyết 59 hồ sơ về các lĩnh vực xây dựng, đổi tên, thành lập tổ chức trực thuộc; 153 hồ sơ về các lĩnh vực thuyên chuyển, phong phẩm, bổ nhiệm, đi học, tổ chức lễ và các sinh hoạt tôn giáo khác; tổ chức 21 buổi làm việc với các tổ chức tôn giáo và chức sắc, chức việc tại địa phương để nắm tâm tư, nguyện vọng, tình hình sinh hoạt tôn giáo, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần túy, chính đáng của người dân, tín đồ các tôn giáo. Hằng năm, lãnh đạo tỉnh, các địa phương thường xuyên thăm hỏi, chúc mừng các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc nhân ngày lễ trọng và các ngày kỷ niệm lớn, qua đó đã tạo nên mối quan hệ gắn bó, gần gũi giữa chính quyền với các tôn giáo.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đến nay, hoạt động của các tổ chức tôn giáo cơ bản đã đi vào nền nếp, ổn định, không ngừng phát triển về số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ, xây dựng cơ sở thờ tự ngày càng khang trang. Các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật; quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào có đạo.

Cùng nhau xây dựng quê hương

Mục sư nhiệm chức Ai Krôl, Chi hội Tin lành Ea Hiu (buôn Tà Đỗq, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) cho hay, việc sinh hoạt tôn giáo của Chi hội luôn được các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi theo khuôn khổ pháp luật. Năm 2018, cơ quan chức năng tỉnh và huyện Krông Pắc đã cấp phép cho Chi hội xây dựng nhà thờ khang trang nên bà con giáo dân rất phấn khởi. Thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo, mục sư cũng thường xuyên thông tin về những chủ trương, chính sách mới liên quan đến tôn giáo, địa phương để người dân biết và nghiêm túc thực hiện.

Phóng viên trao đổi với ông Y Púp Knul (bìa phải), Chi hội Tin lành Ea Kar (huyện Ea Kar) là hộ giáo dân làm kinh tế giỏi.
 

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, bà con giáo dân trong Chi hội luôn tích cực tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn”.

 
Mục sư nhiệm chức Ai Krôl, Chi hội Tin lành Ea Hiu (huyện Krông Pắc)

Chi hội Tin lành Ea Kar có 1.700 tín đồ thuộc 6 buôn của thị trấn Ea Kar, những năm qua luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tích cực hưởng ứng các hoạt động, phong trào của địa phương. Mục sư Y Thun Bkrông (Chi hội Tin lành Ea Kar) chia sẻ, Ban Chấp sự Chi hội luôn phối hợp, giữ mối liên kết bền chặt với chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân xóa bỏ hủ tục trong đời sống; giữ gìn an ninh trật tự; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế, giảm nghèo. Nhờ đó đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của bà con giáo dân được nâng lên, số hộ nghèo chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”.

Không chỉ là “cầu nối” giữa chính quyền địa phương với bà con giáo dân, nhiều tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh còn phát huy trách nhiệm, chung sức cùng cộng đồng phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Điển hình, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đã tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; linh động tổ chức sinh hoạt tôn giáo bằng hình thức trực tuyến. Nhiều tổ chức tôn giáo còn tích cực tham gia cùng với chính quyền địa phương ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Chỉ tính riêng thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư, các tổ chức tôn giáo đã vận động ủng hộ gần 1,8 tỷ đồng mua trang bị, vật tư y tế và thực phẩm thiết yếu hỗ trợ các điểm, tuyến đầu chống dịch của tỉnh và TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa.

Trong hoạt động xã hội, toàn tỉnh có 24 cơ sở tôn giáo mở các trường mầm non tư thục, trường dạy nghề, xây dựng trạm xá để khám chữa bệnh cho người nghèo; có 17 cơ sở (Phật giáo 14 cơ sở và Công giáo 3 cơ sở) tham gia hoạt động bảo trợ xã hội. Ngoài ra, công tác từ thiện cũng được thực hiện thường xuyên vào các dịp lễ của các tôn giáo và Tết Nguyên đán của dân tộc. Nhìn chung hoạt động bảo trợ xã hội và từ thiện của các tôn giáo tuân thủ, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, chia sẻ khó khăn với cộng đồng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.