Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ trong tình hình mới

07:23, 18/10/2022

Lịch sử xây dựng và phát triển của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk gắn liền với lịch sử phát triển của Đảng bộ tỉnh.

Sau khi Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh được thành lập (tháng 5/1945), tháng 8/1945, tỉnh có 3 chi bộ đảng và đến năm 1947, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và của Ban Chấp hành Đảng bộ miền Nam Trung bộ, tỉnh Đắk Lắk thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh do đồng chí Nguyễn Khắc Tính làm Bí thư, đồng chí Ama Khê làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến của tỉnh để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng của tỉnh. Đây cũng là thời điểm sơ khai hình thành các bộ phận Văn phòng cấp ủy của tỉnh với việc bố trí một số đồng chí cán bộ để giúp việc cho Ban cán sự Đảng tỉnh trong các hoạt động. Sau đó, Ban cán sự tỉnh chỉ đạo thành lập một số Ban cán sự cấp huyện; lúc này các cơ quan chức năng của tỉnh cũng dần được hình thành. Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, đồng chí Võ Đôn Phước, Ủy viên Ban cán sự tỉnh khi ấy được phân công làm Chánh Văn phòng.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, cách mạng miền Nam chuyển hướng, từ hoạt động vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị. Một số đồng chí cán bộ của Văn phòng được chọn lọc bồi dưỡng để bám trụ lại chiến trường hoạt động. Đây là thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất nhưng với sự linh hoạt, sáng tạo, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Văn phòng được phân công ở lại đã làm tốt công tác dân vận, công tác “3 cùng” với dân, đã giữ vững và phát huy tốt phong trào cách mạng của quần chúng, giúp cấp ủy tổ chức thành công các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh; phục vụ các chiến dịch; tích cực chuẩn bị các mặt cả về vật chất, tinh thần, địa điểm và lực lượng để đưa đón các đoàn cán bộ cài cắm, xây dựng lực lượng ở các vùng căn cứ tại các huyện, thị trong tỉnh...

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất và lần thứ hai (8/1963), các Ban của Đảng lần lượt được thành lập, Văn phòng cấp ủy tỉnh tiếp tục được tăng cường và củng cố, số lượng cán bộ, nhân viên cũng được tăng lên nhằm bảo đảm an toàn cho các đồng chí lãnh đạo và bảo đảm bí mật tuyệt đối các hoạt động của Ban cán sự; kịp thời tham mưu, phục vụ các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, IV, V… và các nhiệm vụ chính trị quan trọng khác. Đặc biệt, đã làm tốt công tác tham mưu, đề ra các chủ trương, nhiệm vụ, biện pháp lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh chiến đấu giành nhiều thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiêu biểu nhất là chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975), mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975).

Văn phòng Trung ương Đảng làm việc với Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk năm 2022. Ảnh: VPTU

Cũng trong thời kỳ này, có 19 cán bộ, công chức của Văn phòng đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, một số đồng chí là thương binh, bệnh binh. Những đóng góp to lớn của các đồng chí ấy đã góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống của Văn phòng Tỉnh ủy.

Sau giải phóng năm 1975, đến năm 1986, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy gồm các đồng chí: Ama H’Oanh, Hoàng Lê, Nguyễn Thanh Hồng, Đoàn Hối, Nguyễn Ngọc Lân, Trần Bá Đạt. Nhiệm vụ cấp bách của Đảng bộ tỉnh thời gian này là lãnh đạo truy quét bọn phản động tàn quân, thiết lập lại trật tự an ninh, củng cố an ninh chính trị, trật tự xã hội; giải quyết nạn đói; xây dựng chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình, cùng với cả nước tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc xã hội chủ nghĩa. Vượt qua các khó khăn, thử thách, Văn phòng Tỉnh ủy đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo của Ban cán sự Đảng của tỉnh (trước đây) và của Tỉnh ủy (sau này).

Trong thời kỳ đầu đổi mới, nhiệm vụ của Văn phòng hết sức nặng nề, song với quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tập thể cán bộ, công chức Văn phòng, dưới sự điều hành trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng, sau đó là đồng chí Nguyễn Thành Chinh đã lãnh đạo tập thể Văn phòng đoàn kết, nhất trí, làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo Đảng bộ tỉnh tập trung giải quyết các nhu cầu về đời sống của nhân dân, cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh…

Trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, Văn phòng Tỉnh ủy có các phòng trực thuộc gồm: Tổng hợp, Hành chính - Lưu trữ, Tài chính Đảng, Quản trị và Cơ yếu - Công nghệ thông tin với tổng số 63 cán bộ lãnh đạo, công chức, nhân viên. Tập thể lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy luôn đoàn kết, thống nhất để lãnh đạo, chỉ đạo tập thể cán bộ, nhân viên làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm đó là: phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu, thẩm định, đề xuất các chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng bộ; là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; là đầu mối giúp Thường trực Tỉnh ủy xử lý công việc hằng ngày của Đảng bộ tỉnh; tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy; điều hòa hoạt động các cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan thuộc Tỉnh ủy…

Trải qua 75 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy, lớp lớp thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, nhân viên Văn phòng Tỉnh ủy đều nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất một lòng, trung thành với Đảng, tận tụy với nhân dân và công việc được giao; ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp, phục vụ cấp ủy trong hoạt động lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ tỉnh, góp phần thi đua xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.

Trần Trung Hiển

Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.