Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa X: Thảo luận tại tổ về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội

13:58, 08/12/2022

Sáng 8/12, tiếp tục chương trình làm việc, Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa X tiến hành thảo luận tổ với nhiều nội dung quan trọng. 

Tại 3 tổ thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng, an ninh (QP-AN) năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; hoạt động của các cơ quan Tư pháp trong năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; công tác giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia; thảo luận, góp ý vào nội dung các dự thảo Nghị quyết.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, đồng thời đề xuất một số ý kiến nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm 2023 như: cần đề ra các giải pháp để tăng cường công nghiệp, xây dựng nhằm đạt hiệu quả công nghiệp hóa – hiện đại hóa cao; cần đẩy nhanh giải ngân, bố trí vốn sớm cho các công trình, dự án trên địa bàn để đảm bảo tiến độ khi triển khai, đồng thời quan tâm đến việc đánh giá tác động về môi trường, đảm bảo sức khỏe, đời sống người dân khi triển khai dự án; khẩn trương xây dựng và ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột; đẩy nhanh tiến độ khởi công sửa chữa Tỉnh lộ 9 và Tỉnh lộ 12…

Đại biểu Huỳnh Bài (Tổ đại biểu huyện Ea Kar) đóng góp ý kiến thảo luận. Ảnh: Vạn Tiếp
Đại biểu Huỳnh Bài (Tổ đại biểu huyện Ea Kar) đóng góp ý kiến thảo luận. Ảnh: Vạn Tiếp

Cho ý kiến về vấn đề cơ cấu kinh tế, đại biểu Huỳnh Bài (Tổ đại biểu huyện Ea Kar) cho rằng: Hiện nay, khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn còn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, chỉ có 16,48%, đặc biệt là TP. Buôn Ma Thuột đang xây dựng trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên thì tỷ trọng trong lĩnh vực này vẫn còn đạt thấp.

Theo đại biểu, nếu khu vực công nghiệp, xây dựng thấp dưới 20% thì vẫn thuộc tỉnh nghèo, lạc hậu; và muốn phát triển nhanh thì cần phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, đại biểu đề nghị, trong những năm tới cần có các giải pháp để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, xây dựng, tăng tỷ trọng lĩnh vực này trong cơ cấu kinh tế lên nữa.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đa số đại biểu đề nghị cần đề ra nhiều cơ chế, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tạo sự liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp và nông dân; cần xây dựng cơ chế, chính sách để cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước ngoài…

Đại biểu đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Vạn Tiếp
Đại biểu đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Vạn Tiếp

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách, quy hoạch cụ thể, xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, đặc biệt là đối với sầu riêng nhằm tránh tình trạng người dân tập trung trồng sầu riêng mà chặt bỏ (hoặc không đầu tư thêm) các loại cây khác, tạo thành “điệp khúc trồng - chặt” như đã từng xảy ra trong thời gian qua. 

Đặc biệt, đại biểu cho rằng, đối với tỉnh Đắk Lắk, cà phê luôn được xác định là cây trồng chủ lực và chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân đầu tư trồng, giữ cây cà phê vì hiện nay tình trạng người dân chặt bỏ cây cà phê sang trồng các loại cây ăn trái cho năng suất, thu nhập cao khác đang xảy ra ở nhiều địa phương.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Xuân Lợi (Tổ đại biểu TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng: Hiện nay, TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh quảng bá, xây dựng hình ảnh thành phố cà phê. Việc hỗ trợ chuyển đổi cây cà phê kém hiệu quả sang cây trồng khác cần làm rõ thế nào là kém hiệu quả vì hiện nay tình trạng người dân chặt bỏ cây cà phê sang trồng các loại cây khác đang xảy ra ở nhiều địa phương.

Đại biểu cũng nêu rõ: Có hai xu hướng mà người dân đang chuyển đổi là chuyển đổi theo đúng theo kế hoạch và chuyển đổi theo phong trào, kỳ vọng thay thế một loại cây khác có giá trị cao hơn và hiện nay tốc độ chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng sầu riêng đang diễn ra rất nhanh, điều này cũng dễ gây rủi ro. Đại biểu mong muốn công tác truyền thông cũng như quản lý Nhà nước cần định hướng để đảm bảo cây cà phê vẫn là cây trồng và là sản phẩm chủ lực, bền vững.

Đối với lĩnh vực đầu tư công, các đại biểu cho rằng công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua còn chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị cần tập trung giải quyết những điểm nghẽn trong thực hiện các dự án đầu tư công; đồng thời gắn trách nhiệm và tăng cường hơn nữa vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Tô Thị Tâm (Tổ đại biểu huyện Ea Kar) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Vạn Tiếp
Đại biểu Tô Thị Tâm (Tổ đại biểu huyện Ea Kar) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Vạn Tiếp

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Tô Thị Tâm (Tổ đại biểu huyện Ea Kar) nêu rõ: Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk được thụ hưởng từ nhiều chương trình, dự án lớn, đặc biệt là các cơ chế, chính sách liên quan đến tình đặc thù của vùng Tây Nguyên; từ đó giúp tỉnh có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo… Tuy nhiên, để các chủ trương, chính sách có hiệu quả, thì tỉnh cần xây dựng các nghị quyết, dự án sát hơn, phù hợp hơn. Song song với việc đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, đại biểu cũng đề nghị cần chú ý đảm bảo chất lượng các dự án, công trình...

Thảo luận về công tác dân tộc, đại biểu Y Car Ênuôl (Tổ đại biểu huyện Cư M’gar) cho rằng: Việc thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc trong thời gian qua có nhiều kết quả nổi bật, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định.

Đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; quan tâm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021-2025); thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm tiếp theo.

Thảo luận tại 3 tổ, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về vần đề giải quyết việc làm cho các lao động trở về địa phương sau dịch bệnh COVID-19, nhất là các lao động nữ, dân tộc thiểu số; quan tâm bố trí biên chế nhằm đảm bảo số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các đơn vị hành chính cấp huyện; quan tâm xây dựng chính sách, chế độ phụ cấp cho đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở; nâng cao thu nhập, đời sống cho đội ngũ giáo viên để họ yên tâm công tác…

* Chiều nay (8/12), các đại biểu tiến hành thảo luận tại hội trường; xem xét, thông qua các Nghị quyết và tiến hành bế mạc kỳ họp. 

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.