Multimedia Đọc Báo in

Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”

07:07, 17/03/2023

Cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Người khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, là “then chốt của then chốt”. Đảng ta trong từng thời điểm đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, hướng dẫn thể hiện các chủ trương, quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ. Tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, quy định công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, góp phần  nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”; đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” tiếp tục khẳng định: “Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ảnh tư liệu TTXVN

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Cán bộ và công tác cán bộ không những là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là khâu then chốt trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta; điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, coi công tác cán bộ là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm chỉ đạo của Đảng về tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quy định về công tác cán bộ, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu trong hệ thống chính trị. Nhờ vậy, công tác cán bộ của tỉnh Đắk Lắk đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo được sự chuyển biến tích cực, hiệu quả. Việc quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ đã được các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Triển khai thực hiện các khâu trong công tác cán bộ có chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng quy định. Công tác tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng. Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai thực hiện theo đúng phương châm “động” và “mở”, chủ động tạo nguồn, bố trí cán bộ, đã khắc phục trình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Công tác bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định.

Tại Đại hội XIII của Đảng, đại biểu bỏ phiếu với niềm tin lựa chọn những nhân sự ưu tú. Ảnh tư liệu TTXVN

Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu “xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Đắk Lắk cơ bản trở thành trung tâm vùng, là tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững khu vực Tây Nguyên, xác định tầm nhìn đến năm 2045 là “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk thực sự là trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực. Đảm bảo đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân đạt mức khá của cả nước”. Để hiện thực hóa khát vọng đó cần có đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là nhân tố quyết định để nắm bắt được những thời cơ, vận hội cho sự nghiệp phát triển, cũng như vượt qua những khó khăn, thách thức. Một trong 3 khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngày 19/5/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Ngày 27/7/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 định hướng đến năm 2030”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Đó là “nguyên tắc vàng”, là bài học vô giá về công tác cán bộ. Làm sao để người cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” chính là vừa phải có đạo đức, vừa phải có trình độ chuyên môn. Cụ thể cái tài của người cán bộ chính là vừa phải có trình độ chuyên môn, kiến thức hiểu biết rộng, vừa phải có tầm nhìn và tư duy về lĩnh vực công tác lãnh đạo, quản lý; cái đức của người cán bộ chính là phải biết trọng liêm sỉ và danh dự, biết hy sinh những lợi ích cá nhân vì lợi ích chung…, có như vậy mới đảm nhiệm được vai trò lãnh đạo của mình.

Cán bộ Đội công tác phát động quần chúng tỉnh hướng dẫn hộ đồng bào dân tộc thiểu số buôn Yang Reh (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) chuyển đổi cây trồng. Ảnh: Nguyễn Xuân

Khi mà cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thực sự nêu gương với tinh thần cống hiến tận tâm, tận lực, biết tập hợp, quy tụ và khơi dậy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại một cách khoa học, đúng lúc, đúng chỗ, không ngại khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, sáng tạo, cống hiến toàn bộ trí tuệ, sức lực, tâm huyết cho sự nghiệp chung thì tất yếu sẽ huy động và sử dụng được một cách hiệu quả nhất các nguồn lực, mang lại lợi ích cho địa phương, cộng đồng, quê hương, đất nước ngày càng phát triển. Và mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc nhất định sẽ trở thành hiện thực.

Phạm Minh Tấn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.