Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

08:02, 05/04/2023

LTS: Sau Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức để ĐBQH trong Đoàn tiếp xúc cử tri, tổng hợp nội dung kiến nghị của cử tri, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội theo quy định; đồng thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và trả lời cử tri.

Theo đó, những nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk sau Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã được các bộ, ban, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. Báo Đắk Lắk xin giới thiệu trích lược nội dung trả lời kiến nghị của cử tri.

1. Cử tri đề nghị quan tâm, có giải pháp thu hút các doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cũng như giải quyết việc làm cho con em địa phương sau khi tốt nghiệp ra trường.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) trả lời: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm kịp thời ban hành những chính sách trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ, thúc đẩy, phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên trong đó có địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Ngoài ra, ngày 15/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2022/QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Thông qua các cơ chế đặc thù sẽ thu hút được các nhà đầu tư, cùng với đó quy tụ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, những tài năng đặc biệt về công tác tại TP. Buôn Ma Thuột, tạo nên những chuyển biến trong quá trình thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của địa phương, cũng như giải quyết việc làm cho người dân trong tỉnh.

Thực hiện quy định tại Điều 92 và Điều 93 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Bộ KH-ĐT hướng dẫn tỉnh Đắk Lắk xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm; trong đó hướng dẫn và có ý kiến về định hướng thu hút đầu tư, xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm và phối hợp, hỗ trợ tổ chức thực hiện các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư. Cụ thể: Bộ KH-ĐT phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017; phối hợp hỗ trợ UBND huyện Lắk tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện năm 2019; giới thiệu thành công Công ty TNHH Đầu tư VNM (Singapore) đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện gió tổng công suất 70 MW, vốn đầu tư hơn 2.210 tỷ đồng; đã và đang tiếp tục giới thiệu một số doanh nghiệp có năng lực về tài chính và uy tín trên thị trường nghiên cứu đầu tư một số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh…

2. Cử tri đề nghị quan tâm chế độ, chính sách, nâng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với những cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, buôn phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Nội vụ trả lời: Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cử tri để trình cấp có thẩm quyền xem xét việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp. Trong thời gian chưa sửa đổi các quy định nêu trên, đề nghị tỉnh Đắk Lắk thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chỉnh phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 6/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Kiểm tra chất lượng trái trước khi đóng gói tại một cơ sở sơ chế sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc. Ảnh: Thuận Nguyễn

3. Cử tri đề nghị có chính sách hỗ trợ giá nông sản, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững, vì hiện nay giá phân bón trên thị trường tăng cao dẫn đến tình trạng sản phẩm nông nghiệp nông dân làm ra không có lãi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trả lời: Về chính sách hỗ trợ giá nông sản: Thời gian qua, nhằm thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất, Bộ NN-PTNT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp:

Đối với vật tư nông nghiệp: Ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; yêu cầu các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp thực hiện niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá; chỉ đạo các cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông, sử dụng vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu…

Đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản, Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp: Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…; đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy mở cửa thị trường tiêu thụ, bảo quản, chế biến sâu nông sản; chính sách mua tạm trữ nông sản trong trường hợp cần thiết…

Về việc hỗ trợ giá nông sản: Theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, ngoài các mặt hàng như: thóc gạo, đường, muối, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật là những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, giá cả các mặt hàng nông sản khác được vận hành theo cơ chế thị trường.

Về tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp: Bên cạnh công tác minh bạch hóa thông tin thị trường, hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản cũng đã được đẩy mạnh, trong đó tập trung thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước; đàm phán, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; phối hợp với các đại sứ quán, tham tán thương mại tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT tiếp tục phối hợp, hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch, tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết và theo tín hiệu thị trường để vừa đảm bảo nguồn cung ổn định, không bị đứt gãy, vừa hạn chế sự tồn đọng, giúp người nông dân an tâm đầu tư sản xuất, có thu nhập ổn định và có lãi; chủ động theo dõi sát tình hình và cung cấp thông tin định kỳ/đột xuất cho Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Tổ Điều hành thị trường trong nước để thông tin, dự báo và khuyến cáo về sản xuất và thị trường các mặt hàng nông sản, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; cập nhật các khuyến nghị của thị trường nhập khẩu để các doanh nghiệp trong nước chủ động nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm đạt chuẩn theo đúng quy định của thị trường các nước.

Lan Anh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.