Multimedia Đọc Báo in

Trận đánh chiếm Tiểu khu Đắk Lắk ngày 10/3/1975

09:08, 04/04/2023

Trước năm 1975, Tiểu khu Đắk Lắk nằm ở trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột, là trung tâm chỉ huy quân sự của ngụy ở Đắk Lắk. Đây là một trong 5 mục tiêu tấn công của quân ta trong trận đánh Buôn Ma Thuột tháng 3/1975, là mục tiêu quan trọng thứ hai sau Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 của ngụy.

Sở Chỉ huy Tiểu khu Đắk Lắk được xây dựng khá kiên cố, hầm chỉ huy chịu được đạn pháo 130 ly, xung quanh có hàng rào thép gai bảo vệ, bố trí nhiều lô cốt, ụ súng với các loại hỏa lực mạnh như ĐKZ, cối 81, M79, đại liên, kể cả hỏa tiễn chống tăng M72. Lực lượng địch bảo vệ ở đây gồm một tiểu đoàn do Thiếu tá Vĩnh Hy chỉ huy.

Nhiệm vụ đánh chiếm Tiểu khu Đắk Lắk được Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên giao cho Trung đoàn 95B thuộc Sư đoàn 325. Đóng quân tại Trị Thiên, đầu tháng 2/1975, Trung đoàn 95B đã được Bộ Tổng tham mưu điều gấp vào Tây Nguyên để tham gia chiến dịch. Đánh chiếm Tiểu khu Đắk Lắk là nhiệm vụ rất khó khăn do mục tiêu nằm giữa trung tâm thị xã, địch phòng thủ rất vững chắc. Khó khăn, nguy hiểm là vậy nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95B đều chung một quyết tâm rất cao hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sở Chỉ huy mặt trận Tây Nguyên tháng 3/1975 (Từ trái qua: đồng chí Hoàng Dũng, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Văn Tiến Dũng; đồng chí Bùi San, Khu ủy viên Khu V; đồng chí Huỳnh Văn Mẫn (tức Chín Cần), Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trở ngại trên hướng tấn công vào Tiểu khu Đắk Lắk của Trung đoàn là hai vị trí án ngữ vòng ngoài của địch ở hai cao điểm là 596 và Cư Êbur, phải tiêu diệt được hai vị trí này nếu muốn đưa được đội hình bộ binh và xe tăng của Trung đoàn tiến vào bên trong thị xã. Nhiệm vụ trên được Trung đoàn giao cho Tiểu đoàn 6.

4 giờ sáng 10/3/1975, trong lúc đặc công của Trung đoàn 198 tấn công sân bay thị xã Buôn Ma Thuột, Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 95B) dưới sự chỉ huy của Trung đoàn phó Nguyễn Văn Bảng và Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Loạn đã tổ chức tấn công địch ở hai điểm cao 596 và Cư Êbur. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, Tiểu đoàn 6 đã làm chủ hoàn toàn hai điểm cao, diệt hai đại đội địch.

Bộ binh cùng xe tăng của Trung đoàn nhanh chóng vượt qua phía đông bắc sân bay thị xã, hình thành hai mũi đánh theo hai phố Cao Thắng và Phan Chu Trinh để tiến về Ngã Sáu. Địch bố trí phòng thủ ở khu vực Ngã Sáu rất vững chắc: các xe tăng, xe bọc thép được bố trí ở các góc khuất, ngoài ra còn nhiều ụ súng, lô cốt với nhiều loại hỏa lực khác nhau với quyết tâm chặn đứng các mũi tấn công của ta. Suốt từ 8 đến 9 giờ sáng 10/3, cuộc chiến tại đây đã diễn ra rất quyết liệt. Hỏa lực địch từ khu nhà thờ Trung tâm, trên đại lộ Thống Nhất và các lô cốt, ụ súng xung quanh khu vực Ngã Sáu chống trả rất quyết liệt. Tiểu đoàn 5 ba lần tổ chức tấn công lên nhưng đều bị hỏa lực địch ngăn chặn và bị tổn thất khá nặng, không phát triển lên được.

Trước tình hình trên, lúc 9 giờ, Trung đoàn trưởng Đặng Tụ quyết định điều tiếp Tiểu đoàn 4 cùng 4 xe tăng của Đại đội tăng 4 - Trung đoàn xe tăng 273 từ phía sau lên, hình thành hai mũi tiếp tục đột phá vào Ngã Sáu. Được sự hỗ trợ của 4 xe tăng, sau hai lần đột phá, Tiểu đoàn 4 và 5 đã đánh bật được các mũi chốt chặn của địch, chiếm được Ngã Sáu đồng thời tổ chức tiến đánh về Tiểu khu Đắk Lắk. Đến 10 giờ, các mũi tấn công của Tiểu đoàn 4 và 5 đã chiếm tiếp được Câu lạc bộ Biên Thùy, khu cư xá sĩ quan trên đại lộ Thống Nhất và đường Lê Lợi; đồng thời tiếp tục tổ chức tấn công đánh chiếm khu tòa án, bưu điện, tòa nhà Đại biểu Chính phủ.

Tên lửa phòng không hành quân cơ động trên đường Tây Trường Sơn.

11 giờ 45, địch điều 2 xe thiết giáp của Thiết đoàn 8 từ căn cứ ở phía Bắc thị xã đến tăng cường cho Tiểu khu. Hai chiếc xe này vừa đến khu vực ngã ba Nơ Trang Long, Tôn Thất Thuyết đã bị lực lượng của Trung đoàn 148 và Trung đoàn 95B chặn đánh, bắn cháy cả 2 xe. Đến 12 giờ 30, sau khi chiếm được các khu nhà ở phía Bắc và nhà phía chính diện Tiểu khu, các mũi tấn công của Tiểu đoàn 4 và 5 cùng xe tăng tiếp tục tấn công vào Sở Chỉ huy Tiểu khu Đắk Lắk. Thiếu tá Vĩnh Hy chỉ huy quân địch điên cuồng chống trả, các loại hỏa lực của địch từ các lô cốt, ụ súng, chiến hào bắn như vãi đạn về phía quân ta. Trên không, máy bay của chúng cũng liên tục ném bom vào đội hình tiến quân của Trung đoàn 95B. Xe tăng đi đầu số 986 do Trung đội phó Lê Đại Cương chỉ huy, khi tiến đến gần tòa nhà Tiểu khu bị trúng hỏa tiễn chống tăng M72 của địch bốc cháy dữ dội. Phát hiện xe cháy, Trung đội phó Cương lệnh cho các thành viên rời khỏi xe, tổ chức thành một tổ chiến đấu bằng súng bộ binh. Do lúc này hỏa lực địch ở trong khu vực Tiểu khu bắn ra rất dữ dội, sau 20 phút chiến đấu, anh Cương trúng đạn hy sinh, chiến sĩ lái xe Đoàn Phan Chương cũng bị thương nặng. Trung đoàn trưởng Đặng Tụ quyết định tập trung hỏa lực của xe tăng, pháo cối 82 ly, ĐKZ công phá vào khu tòa nhà Tổng hành dinh Tiểu khu Đắk Lắk, sau 30 phút tập trung hỏa lực bắn phá quyết liệt, một phần tòa nhà đã bị sập, hầm chỉ huy cũng trúng đạn pháo, hệ thống thông tin liên lạc của địch ở đây không còn liên lạc được, nhiều tên địch đã bị tiêu diệt, trong đó có tên Trung úy Năm, Trưởng phòng 5 Tiểu khu Đắk Lắk.

14 giờ, các mũi tấn công của Tiểu đoàn 4 và 5 cùng xe tăng tiếp tục tổng công kích tiếp vào dinh Tiểu khu. Biết không chống đỡ nổi, thiếu tá Vĩnh Hy cùng một số binh lính còn lại đã phải bỏ chạy. Đến 15 giờ 20 ngày 10/3, Trung đoàn 95B đã làm chủ được Sở Chỉ huy Tiểu khu Đắk Lắk.

Việc chiếm được Sở Chỉ huy Tiểu khu Đắk Lắk - Cơ quan chỉ huy quân sự đầu não của ngụy ngay trong chiều ngày 10/3/1975 là một thắng lợi rất quan trọng đối với ta, khiến quân địch còn lại trong thị xã Buôn Ma Thuột vô cùng hoang mang, dao động, đồng thời tạo sức cổ vũ lớn để quân ta đánh chiếm các mục tiêu còn lại của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột trong ngày 11/3/1975.

Nguyễn Đình Thi

(Cựu chiến binh Sư đoàn 10)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.