Multimedia Đọc Báo in

Thăm căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ

08:35, 28/05/2023

Căn cứ Bà Bái (tên gọi địa phương của căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ) hiện tọa lạc tại ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Đây là nơi lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động đấu tranh chính trị, vũ trang của quân dân Cần Thơ trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thời gian từ năm 1972 - 1975.

Ngày nay, đến thăm Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, du khách theo Quốc lộ 61 hướng về Vị Thanh (Hậu Giang), qua thị trấn Cái Tắc khoảng 20 km, đến ngã ba Cầu Mống rẽ vào Tỉnh lộ 927 chừng 8 km là đến đến nơi. Nơi từng là chiến trường ác liệt, ruộng vườn hoang hóa, giặc pháo bắn phá ngày đêm bây giờ đã là vùng đất xanh mướt mát với những ruộng mía bạt ngàn; con đường vào căn cứ được trải nhựa phẳng lì rộng rãi với hàng bạch đàn hai bên cao vút tỏa bóng mát rượi.

Lối vào Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ.

Khu căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ đóng trên nền đất của “Bà Bái” - một địa chủ thời Pháp thuộc. Toàn bộ khu căn cứ được xây dựng trên khoảng đất vườn rộng hơn 6 ha, giữa những con kênh bao bọc như những chiến hào thiên nhiên: kênh Xáng, Lái Hiếu, Cả Cường, kênh Cũ và kênh Bà Bái.

Khu căn cứ này là nơi Ban Chấp hành Đảng bộ Cần Thơ chỉ huy các lực lượng vũ trang tiến công về Cần Thơ, Vị Thanh và các mục tiêu trọng điểm khác trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đây từng là nơi đánh phá ác liệt của địch, nhất là vào thời điểm sau khi ký kết Hiệp định Paris 1973, địch đã mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô với nhiều thứ quân (sư 9, sư 21, sư 7, biệt động quân, thiết giáp, quân địa phương của các tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện, Sóc Trăng, Bạc Liêu) từ nhiều hướng với sự chi viện của các dàn pháo 105, 155 ly đóng ở Long Mỹ, Cái Tắc, Phụng Hiệp, cùng hàng trăm phi vụ ném bom của máy bay chiến đấu của địch. Ác liệt nhất là vào tháng 6/1973, địch huy động đến 75 tiểu đoàn trên chiến trường Phụng Hiệp - Long Mỹ, riêng khu vực Lái Hiếu, xã Phương Bình, quân giặc tập trung hàng chục tiểu đoàn càn quét ác liệt, hòng đánh bật Tỉnh ủy Cần Thơ ra khỏi địa bàn. Nhưng Tỉnh ủy Cần Thơ vẫn kiên cường đứng vững nơi căn cứ, tiếp tục lãnh đạo quân dân địa phương đánh bại, bẻ gãy nhiều đợt càn quét, lấn chiếm, bức rút, tiêu diệt nhiều đơn vị, đồn bót của địch, phá hủy và tịch thu được nhiều quân trang, quân dụng, giành lại và mở rộng thêm vùng giải phóng. Mọi cố gắng của quân địch đều trở thành vô vọng và chuốc lấy thất bại thảm hại. Chúng buộc phải rút lui, co cụm, bị động phòng thủ cho đến ngày đầu hàng cách mạng (30/4/1975).

Tượng đài kỷ niệm nơi thành lập Tiểu đoàn Tây Đô.

Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ hiện nay đã được phục dựng, tái tạo nhiều hạng mục. Hội trường là gian nhà hình chữ nhật kê tán, lợp lá rộng chừng 150 m2, đây là nơi diễn ra các cuộc hội nghị quan trọng của Tỉnh ủy Cần Thơ. Nhà được làm từ các vật liệu có sẵn tại khu căn cứ như: tràm, cau, dừa, tre, sắn và mù u, lá dừa nước... Ngoài ra trong căn cứ còn rất nhiều lán trại, hầm hố của các cơ quan, bộ phận trực thuộc như: Tuyên huấn, cơ yếu, điện đài, dân vận, quân y, dân y và một số tổ chức, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, trường Đảng... nhưng hiện nay những lán trại, dấu tích này không giữ được nguyên mẫu do vật liệu xây dựng không kiên cố, nhanh chóng bị thời gian, mưa nắng làm hư hỏng. Trong nhà trưng bày còn khá nhiều hiện vật, kỷ vật của căn cứ như máy đánh chữ, đài bán dẫn, dụng cụ sinh hoạt, vũ khí của các đơn vị...

Tại xã Phương Bình, ngoài Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, du khách còn có thể tham quan Di tích lịch sử văn hóa địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô với tượng đài kỷ niệm khắc họa sinh động, mạnh mẽ hình tượng người mẹ đang tiễn đưa người con chiến sĩ giải phóng quân lên đường chiến đấu. Tiểu đoàn Tây Đô với lời thề “Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt” là đơn vị hai lần được Đảng và Nhà Nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.