Đôi nét phác thảo về nhà báo Phan Quang
Nhà báo Phan Quang tên thật là Phan Quang Diêu (SN 1928 tại làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1980.
Ông bắt đầu làm báo Cứu Quốc từ năm 1948, đã qua các chức vụ: Tổng Biên tập tạp chí Người làm báo (1984); Thứ trưởng Bộ Thông tin (1987 - 1988); Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa 8, 9, 10; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ; Chủ nhiệm Tuần báo "Nhà báo và công luận".
Nhà báo Phan Quang. Ảnh: ND |
Phan Quang là nhà báo, là cây bút nghiêm cẩn, luôn chịu khó tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, lật đi lật lại vấn đề... - những phẩm chất thật sự cần thiết và quý giá đối với một ký giả khi muốn phản ánh sự thật khách quan. Là một nhà báo tài năng và kỳ cựu, ông có điều kiện tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cấp cao như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn... và các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân... Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu một bài viết của nhà báo Phan Quang có sức nặng của tư duy và sự thể hiện nhưng có lẽ chưa được lan tỏa nhiều trong công chúng. Đó là bài "Tầm nhìn Lê Duẩn" viết cách đây vừa đúng 10 năm, vào dịp kỷ niệm 105 ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2012). Tác phẩm báo chí với hơn 4.000 từ vừa mang dáng dấp của ký chân dung, lại được viết cả bằng văn phong chính luận mà vẫn trữ tình với cách tư duy và suy luận, kiến giải từ góc độ khoa học có nhiều nét tươi mới thuyết phục người đọc, người nghe.
Tâm huyết cháy bỏng và tài năng kiệt xuất của nhà cách mạng Lê Duẩn thì nhiều người đã thấy, đã nói, nhưng điều này bắt nguồn từ đâu, dựa vào điều gì để phát triển thì không phải ai cũng lý giải thuyết phục. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là một người ham hiểu biết, ham đọc nhưng đọc, học là để nâng cao tư duy, học để hành động, để vận dụng làm cách mạng một cách độc lập và sáng tạo. Nhà báo Phan Quang xác tín điều này trong bài báo: "... Những ai có dịp gần cố Tổng Bí thư đều chung nhận xét: Ông đọc rất nhiều và luôn suy nghĩ. Ông đọc vào mọi dịp, đọc trong nhà tù, đọc khi đi nghỉ ở nước ngoài, đến lúc tuổi cao sức yếu vẫn say mê đọc. Trong điều kiện những năm 1980 trở về trước, chắc ít người tham khảo Bách khoa toàn thư của Pháp hay Kinh Coran của đạo Hồi để làm công tác như Lê Duẩn. Theo ông “để làm việc với các tín đồ đạo giáo, cần hiểu đúng tôn giáo của họ”. Ông đọc sách nhưng không nhất nhất tin mọi điều trong sách. “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo” (Lênin), phải tìm chân lý từ thực tiễn đất nước mình, hơn nữa tư duy của mỗi người cũng cần phát triển chứ không phải một lần thuộc sách là đủ cho cả đời. Thời trẻ, bạn tù gọi ông là “người hay cãi sách”. Đến thăm trường Đảng, học viên là cán bộ trung, cao cấp đang nghiên cứu Lịch sử Đảng, trao đổi với anh em ở hành lang, Lê Duẩn hỏi: “Các đồng chí học lịch sử Đảng, vậy theo các đồng chí bài học gì của Đảng là đáng ghi nhớ nhất?”. Mỗi người trả lời một cách, ai cũng đúng. Ông cười: “Theo tôi, bài học lớn nhất của Đảng ta là phải độc lập suy nghĩ, giải quyết các vấn đề của cách mạng Việt Nam trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thực tế của Việt Nam...”.
Và mong muốn tái hiện, phục dựng các nhân vật lịch sử có nhiều cống hiến, trong đó có cố Tổng Bí thư Lê Duẩn một cách khoa học và nhân văn, để có cách nhìn đầy đủ hơn, tránh được những phiến diện và lối mòn ấu trĩ, nhà báo Phan Quang đã kết lại bài báo vừa biểu lộ tinh thần trách nhiệm công dân, lại mang sức nặng tư duy và tính khái quát, dự phóng của vấn đề từ một góc nhìn thấu đáo: "Lịch sử đương đại có những góc khuất - hiểu theo nghĩa khoa học. Nguyên nhân là cách mạng trong bước đầu thường phải đối mặt những thế lực hùng mạnh hơn cả trăm, ngàn lần; cán bộ hoạt động bí mật trong xã hội đầy tráo trở, kẻ thù ngày đêm rình rập. Biết bao chiến công mãi mãi lặng thầm. Sự nghiệp Bác Hồ và không ít chí sĩ nước ta khởi đầu từ thập niên 10 thế kỷ trước, nhiều lãnh tụ trong đó có Tổng Bí thư Lê Duẩn hoạt động từ những năm 20, đến nay trên dưới trăm năm. Pháp luật mọi nước đều quy định thời hạn giải mật các tư liệu mật - trừ một số rất ít liên quan đến quốc phòng, an ninh. Nhiều sự thật sẽ dần ra ánh sáng, làm sáng tỏ hơn công đức những người có công với nước với dân. Điều đó tạo thuận lợi cho việc sưu tầm, nghiên cứu, nghĩ suy. Hơn lúc nào hết, xã hội cần và mong các tài năng khoa học và tài năng sáng tạo hãy cho ra đời nhiều công trình, tác phẩm chân thiện mỹ, đậm tính nhân văn mà không cầu toàn về các danh nhân thời hiện đại để mọi người cùng hiểu thêm về một thời gian nan và oanh liệt của dân tộc, cùng rút ra những bài học bổ ích cho sự phát triển của đất nước hôm nay và ngày mai".
Phan Quang là cây đại thụ báo chí cách mạng Việt Nam qua gần 3/4 thế kỷ làm báo, tận tâm và bền bỉ, đổ bóng xuống thời gian để lại dấu ấn khó phai mờ; với tâm niệm nghề nghiệp được đúc kết: "Đọc – đi – nghĩ – viết" và "Đúng, trúng, nhanh và hay". Ông là một ký giả uyên bác, lịch lãm, tinh tế và nghiêm cẩn; một nhà báo thủy chung với nghề, tận tụy phụng sự Tổ quốc và nhân dân, luôn vì sự tiến bộ xã hội, cống hiến to lớn cho nền báo chí hiện đại Việt Nam.
Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc