Multimedia Đọc Báo in

Từ cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” đến phong trào “Đón thương binh về làng”...

08:53, 23/07/2023

Trong kháng chiến chống Pháp, cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, phong trào “Đón thương binh về làng” chính là sự cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giúp đỡ thương binh, tri ân, tôn vinh liệt sĩ, chăm lo gia đình liệt sĩ.

Rồi từ đó, các chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công ngày càng được hoàn thiện, đổi mới, trở thành một hệ thống chính sách ưu đãi lớn của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.

Cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”

Mùa đông năm 1946, khi những đợt gió lạnh tràn vào miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sáng kiến phát động phong trào may áo rét tặng chiến sĩ, thương binh, bệnh binh.

Sau khi Chính phủ kêu gọi nhân dân hưởng ứng phong trào “Mùa đông binh sĩ”, Ủy ban Vận động “Mùa đông binh sĩ” được thành lập ở Trung ương và các tỉnh.

Nhằm đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, ngày 7/9/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Về việc vận động “Mùa đông binh sĩ” và nêu rõ: “1. Tích cực tuyên truyền, vận động để cho có kết quả mỹ mãn; 2. Tránh địa phương chủ nghĩa. Các nơi, quyên được bao nhiêu, phải báo cáo cho Trung ương rõ để có thể trích chỗ thừa cho chỗ thiếu; 3. Tránh bắt dân chúng ủng hộ một cách bắt buộc, làm cho thấy việc giúp đỡ binh sĩ là một cái ách cho họ. Chúng ta đã quyên của dân nhiều rồi, lần này phải để tùy nhiệt tâm của dân. Trong những lần tổ chức quyên trước, chúng ta thường mắc mấy khuyết điểm trên. Lần này các đồng chí chú ý tránh”.

Hội mẹ chiến sĩ đón thương binh về làng chăm sóc tại Thái Nguyên năm 1951 đã mở đầu cho phong trào hiếu nghĩa bác ái trong cả nước. Ảnh tư liệu

Trong quá trình tổ chức thực hiện Cuộc vận động, thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, tiêu biểu như: Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 20/SL đặt ra chế độ “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ’, theo đó thương binh được cấp Sổ hưu bổng thương tật. Ngày 26/2/1947, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 240/NĐ thành lập Phòng Thương binh thuộc Chính trị cục, Quân đội quốc gia Việt Nam để giúp kế hoạch và đôn đốc, kiểm soát ban thương binh các khu, đây là cơ quan chỉ đạo công tác thương binh đầu tiên của cả nước. Ngày 12/10/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 242/SL đặt ra “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ” bổ khuyết sắc lệnh số 20/SL. Ngày 17/11/1954, Liên bộ Thương binh - Y tế - Quốc phòng - Tài chính ra Nghị định số 19/NĐ về “Điều lệ ưu đãi thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật”...

Phong trào "Đón thương binh về làng"

Từ năm 1951, quân và dân ta đẩy mạnh chống địch càn quét và mở nhiều chiến dịch lớn nhằm tạo thế và lực để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Theo đó, số lượng thương binh ngày càng nhiều, phần lớn được đưa về tuyến sau chăm sóc rồi chuyển về quê hương.

Để thương binh được ổn định về đời sống vật chất và tinh thần, tháng 7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Đón thương binh về làng” và đề nghị mỗi xã trích một phần ruộng công, tổ chức cày cấy, chăm nom gặt hái để nuôi thương binh. Thực hiện chủ trương trên, phong trào “Đón thương binh về làng” được triển khai ở nhiều nơi, điển hình ở Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ… Thương binh được chia đất, chia trâu để làm ruộng và canh tác.

Cùng với việc chỉ đạo công tác đón thương binh về làng, ngày 31/8/1954, Ban Bí thư ra Chỉ thị “Về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc”. Thực hiện chủ trương trên, các địa phương được dự định và ấn định số lượng đón tiếp bộ đội, thương binh, cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc đều thành lập ban phụ trách để thực hiện nhiệm vụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc được triển khai, thực hiện hiệu quả.

Cùng với quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo mọi mặt đối với thương binh, Đảng, Chính phủ có chủ trương đúng đắn, những chính sách cụ thể, thiết thực để tôn vinh, tri ân đối với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, những người đã hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến như chế độ ‘‘Hưu bổng thương tật”, “Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”; chỉ thị “về việc tu sửa, thăm viếng mộ phần các liệt sĩ quân đội nhân dân đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến”…

Có thể thấy, từ cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” đến phong trào “Đón thương binh về làng” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thể hiện rõ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tiếp nối truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, 76 năm qua Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với thương binh, liệt sĩ. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, là nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.