Multimedia Đọc Báo in

“Chìa khóa” huy động sức dân

10:37, 02/08/2023

Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” đề ra tại Đại hội XIII của Đảng đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh phát huy theo hướng người dân là chủ thể, trung tâm của mọi công việc. Qua đó, đã huy động được nguồn lực và tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân cùng thực hiện mục tiêu chung.

Lấy sức dân phục vụ cho dân

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Đar (huyện Ea Kar) Nguyễn Thanh Huấn cho biết, để phát huy nội lực trong nhân dân cùng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Ea Đar đã tập trung thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân hiểu rõ vai trò chủ thể, trực tiếp tham gia làm, giám sát và hưởng lợi từ các công trình.

Việc huy động kinh phí được thực hiện dân chủ, công khai, bảo đảm cân đối giữa nhu cầu và nguồn lực, ưu tiên cho các thôn, buôn có công trình thiết yếu cần làm trước... Trước khi thi công công trình, các thôn, buôn đều tổ chức họp dân để tiếp thu các ý kiến góp ý về cách làm, mức đóng góp, thành lập các tổ giám sát, đầu tư cộng đồng...

Người dân thôn 7 (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Với cách làm trên, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đã lan tỏa đến mọi thôn, buôn. Đơn cử như tại xóm 3, thôn 13 chỉ có 5 hộ nhưng đã tự nguyện đóng góp gần 70 triệu đồng để kéo gần 100 m đường điện và lắp 13 bóng điện thắp sáng đường xóm; hiến gần 1.000 m2 đất để mở rộng, cấp phối đường liên xóm; đóng góp 330 triệu đồng để bê tông hóa tuyến đường dài gần 400 m, rộng 3 m và làm cổng xóm. Hay ở thôn 7, đã huy động đóng góp gần 1 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động, nhiều phương tiện cơ giới để xây dựng hội trường, mở rộng các tuyến đường cấp phối và bê tông hóa được gần 2 km...

Từ năm 2012 đến năm 2020, xã Ea Đar đã huy động được 55,2 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp trên 22,5 tỷ đồng, đưa xã về đích nông thôn mới vào năm 2020. Từ năm 2021 đến nay, xã tiếp tục phát huy pháp lệnh về dân chủ ở cơ sở để huy động nguồn lực trong dân được gần 3,8 tỷ đồng xây dựng các công trình và đã đạt được 15/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Trọng dân, trách nhiệm với dân

Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện, đưa quy chế dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống. Những nội dung công khai để nhân dân biết, bàn, quyết định, tham gia ý kiến, giám sát gồm: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phương án đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư; các khoản huy động nhân dân đóng góp; chủ trương vay vốn ưu đãi... được các địa phương thực hiện thông qua nhiều hình thức.

Những nội dung dân bàn, dân biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định như xây dựng hương ước, quy ước, bầu trưởng thôn, buôn, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng được thực hiện nghiêm túc. Những vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân đã được chính quyền cơ sở tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của người dân.

Người dân đánh giá mức độ hài lòng về công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Ea Kar.

Bên cạnh đó, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức đối thoại với nhân dân theo định kỳ nhằm từng bước phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy H’Kim Hoa Byă khẳng định: Việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần huy động nguồn lực của nhân dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, cải cách thủ tục hành chính…, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định về chính trị, quốc phòng - an ninh. Từ đó, đã khắc phục dần tình trạng “hành chính hóa”, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở được nâng lên theo hướng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.