Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP xây dựng công trình giao thông đường bộ

19:39, 27/10/2023

Chiều ngày 27/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Theo đó, tại phiên họp, Quốc hội xem xét, đánh giá tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về hai nội dung: Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đại biểu cho rằng, Hồ sơ đề nghị điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có rà soát toàn diện, đánh giá tổng thể, bảo đảm tính thống nhất và khả năng hoàn thành dự án.

Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn để đảm bảo thực hiện dự án giai đoạn 1 đến năm 2025 hoàn thành với điều kiện giải phóng mặt bằng năm 2021, nhưng tới năm 2024 mới hoàn thành. Vậy, liệu rằng giao mặt bằng xong trong năm 2024 thì năm 2025 có hoàn thành tiến độ hay không. Vì vậy, đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần có đánh giá, báo cáo một cách tổng thể hơn để đảm bảo giải quyết triệt để những vướng mắc, đảm bảo hoàn thành triển khai dự án giai đoạn 1.

Một số ý kiến nêu rõ, Tờ trình của Chính phủ chưa phân tích kỹ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của địa phương, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện dự án. Hồ sơ cũng như các báo cáo đã trình chưa đánh giá một cách thuyết phục và kỹ lưỡng các nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh Dự án này, đặc biệt là việc chậm trễ về thời gian. Đại biểu đề nghị, trong quá trình rà soát, phải đánh giá một cách chính xác hơn nữa các nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan để có thể tìm ra giải pháp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý một số vấn đề như công tác triển khai các dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc phạm vi bị ảnh hưởng của Dự án.

Theo đại biểu, toàn bộ Dự án dù được triển khai từ năm 2017 tới nay, mới chỉ dừng lại ở mức điều tra, khảo sát, cấp phiếu khảo sát nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ gia đình bị thu hồi đất, tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề, phát phiếu đăng ký học nghề… Tuy nhiên, các công tác này chưa hề có kết quả nào rõ rệt, thời gian còn lại để thực hiện dự án không nhiều.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng chưa chú trọng đúng mức đến việc giải quyết quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng do phải bàn giao đất, di dời chỗ ở để thực hiện dự án. Ngoài ra, còn là những vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh nhà ở xã hội thành đất phân lô, đất cây xanh bị giảm đi đáng kể… và cũng cần được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu thể hiện sự nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. 

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu cho rằng, việc đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP đầu tư không quá 70% là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Có thể thấy khi thực hiện các dự án giao thông đường bộ, chi phí để thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm tổng mức đầu tư rất lớn. Do đó, nếu không tăng nguồn vốn đầu tư của nhà nước thì cũng sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đại biểu, để chính sách đặc thù sớm được triển khai trên thực tế tại các địa phương có dự án, cần xem xét bổ sung quy định trong dự thảo Nghị quyết về việc giao Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về Hồ sơ đăng ký; trình tự thực hiện thủ tục đăng ký, xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án được thí điểm.

Về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, đại biểu cho rằng, cần tính toán thêm trong 4 nhóm nguyên tắc mà Chính phủ đề xuất; trong đó các nguyên tắc, tiêu chí cần rõ ràng đề xuất của Trung ương và địa phương. Vì có những việc thì có sự phân cấp nhiệm vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải triển khai, giao cho UBND các tỉnh, thành phố; có những việc thì có thể giao ngay cho UBND các tỉnh, thành phố công việc cụ thể…

Các đại biểu cũng cho rằng, trên cơ sở đánh giá quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong thực tiễn thời gian qua đã phát sinh một số nội dung chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế về đầu tư phát triển các dự án đường bộ, theo đó Chính phủ đã đề xuất các chính sách thí điểm đặc thù, nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.

Do vậy, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; tuy nhiên cần bổ sung đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ hơn về tác động của các chính sách, làm rõ hơn đối với tác động đến thu, chi ngân sách nhà nước, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc