Multimedia Đọc Báo in

Tác phẩm “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Những chỉ huấn sâu sắc, toàn diện về công tác xây dựng Đảng

09:15, 22/10/2023

Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Thường thức chính trị”, với tập hợp 50 bài viết ký bút danh Đ.X đăng trên báo Cứu quốc năm 1953, được in thành sách vào năm 1954.

“Thường thức chính trị” đã trình bày cụ thể, rõ ràng và bao quát nhiều quan điểm về chính trị như vấn đề giai cấp, nhà nước, các quan điểm về chế độ xã hội, chính sách kinh tế của Đảng, của Chính phủ; tính chất, các tổ chức, nguyên tắc, vai trò, nhiệm vụ của Đảng Lao động Việt Nam; tiêu chuẩn, nghĩa vụ, quyền lợi của người đảng viên... và một số vấn đề khác như thời đại ngày nay, tinh thần quốc tế, tinh thần yêu nước, tình hình thế giới – trong nước...

hủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Thường thức chính trị” gồm 50 bài viết, ký bút danh Đ.X đǎng trên nhiều số báo Cứu quốc. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Thường thức chính trị” gồm 50 bài viết, ký bút danh Đ.X đǎng trên nhiều số báo Cứu quốc. Ảnh tư liệu

Trong đó, vấn đề về Đảng và xây dựng Đảng được xác định là vấn đề trung tâm của tác phẩm (14/50 bài viết). Nội dung xây dựng Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập ở mục 31 của tác phẩm, bao gồm các khía cạnh như:

Khẳng định vai trò và sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức, bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ động cho quần chúng kiên quyết cách mạng; làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi”. Bên cạnh đó, Người còn nhấn mạnh: “Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo, vì: Dù nhân dân đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn. Vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn”.

Vì sao phải xây dựng Đảng

Từ khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, nhất là trong giai đoạn 1950 đến năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện những nguy cơ, “căn bệnh” diễn ra trong nội bộ Đảng. Người chỉ rõ: “Vì sao phải chỉnh huấn? Vì cán bộ ta lập trường chưa vững chắc, tư tưởng chưa thông suốt. Do đó mà mắc nhiều khuyết điểm như: Chưa hiểu rõ đường lối cách mạng dân tộc - dân chủ; chưa nắm được vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh. Chưa phân biệt rõ ràng ai là thù, ai là bạn (trên thế giới, trong nước và trong bản thân mình). Vì vậy mà mắc nhiều bệnh. Chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác, như: Tự tư tự lợi, sợ khó, sợ khổ; Không yên tâm công tác. Ham địa vị danh tiếng; lãng phí, tham ô; quan liêu, mệnh lệnh ...”.

Hồ Chí Minh xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, đồng thời, để củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Bởi lẽ đó, Đảng cần phải tăng cường xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức.

Xây dựng Đảng về tư tưởng: Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin”. Người nhấn mạnh: “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những tư tưởng “phi vô sản””. Đồng thời, Người yêu cầu: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”.

Xây dựng Đảng về chính trị: Người yêu cầu: “Đảng chống khuynh hướng “tả” và khuynh hướng “hữu””. Tức là, phải xây dựng đường lối chính trị của Đảng phản ánh đúng quy luật khách quan, đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn, phù hợp nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, chỉ ra được mục tiêu, phương hướng và giải pháp cơ bản của cách mạng. Đặc biệt, để xây dựng Đảng về chính trị đạt hiệu quả cao, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đề cao vai trò của tự phê bình và phê bình.

Xây dựng Đảng về tổ chức: Người nhấn mạnh: “Về mặt tổ chức, Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Kiên quyết chống những hiện tượng phớt kỷ luật, phớt tổ chức”, bởi vì “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên”. Mọi đảng viên và tổ chức đảng liên kết với nhau theo một kỷ luật chung dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, sự thống nhất chặt chẽ về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do đó, Hồ Chí Minh yêu cầu, tất cả mọi đảng viên, bất kể đảng viên đó giữ chức vụ hay không giữ chức vụ hoặc giữ chức vụ cao hay thấp, đều phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật đảng. Bên cạnh đó, “Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn”.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên: Bác coi trọng công tác giáo dục đảng viên và phải tùy từng đối tượng đảng viên mà lựa chọn cách giáo dục phù hợp: “Đối với những đảng viên đúng tiêu chuẩn, thì Đảng phải bồi dưỡng thêm. Đối với những đảng viên gần đúng (và những đảng viên xuất thân từ giai cấp bóc lột), thì Đảng ra sức giáo dục, giúp đỡ để họ tiến đúng tiêu chuẩn. Đối với những đảng viên đã được giáo dục nhiều mà vẫn không tiến đúng tiêu chuẩn, thì Đảng sẽ khuyên họ rút lui, nhưng vẫn giữ cảm tình với họ”.

Bên cạnh đó, phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Người khẳng định: “Một đảng có chủ nghĩa Mác - Lênin, có kỷ luật nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và phê bình, liên hệ chặt chẽ với nhân dân; một đảng đúng đắn về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức như Đảng Lao động Việt Nam, đó là đảm bảo chắc chắn cho kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”.

Có thể nói, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản được đề cập trong “Thường thức chính trị” đã trở thành lý luận và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng ta. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, cả phương diện lý luận và thực tiễn, để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.