Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới công tác Mặt trận phù hợp tình hình thực tế

03:48, 17/11/2023

Là hạt nhân, nòng cốt trong công tác đoàn kết, vận động tập hợp các tầng lớp nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có sự đổi mới nội dung, hình thức hoạt động phù hợp tình hình thực tế và đạt được những kết quả thiết thực.

Phóng viên Báo Đắk Lắk có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y GIANG GRY NIÊ KNƠNG chung quanh nội dung này.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng.

* Với đặc thù địa bàn rộng, là nơi cư trú của 49 dân tộc đến từ khắp mọi miền đất nước, công tác đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trên địa bàn được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?

Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đại đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tập trung tuyên truyền sâu rộng quan điểm, chủ trương của Đảng về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác này, từ đó tạo sự thống nhất về ý chí và hành động.

Bên cạnh đó, Mặt trận tỉnh cụ thể hóa chủ trương đại đoàn kết thành các nghị quyết chuyên đề để triển khai vận dụng, thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương. Trong đó, một điểm nhấn, một hình thức tập hợp rất thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả được tổ chức định kỳ nhân dịp Ngày truyền thống của Mặt trận là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở tất cả các địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với cán bộ, nhân dân buôn Kri (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại buôn. Ảnh: Lê Thành

Tùy đặc điểm tình hình mỗi địa phương, phong tục, tập quán của từng dân tộc, Ngày hội được tổ chức phù hợp, trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ trong mỗi cộng đồng. Qua đó khuyến khích, tôn vinh, lan tỏa những gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến. Ngoài ra cũng không thể thiếu các hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi,  tặng quà, trao tặng nhà Đại đoàn kết hỗ trợ các gia đình khó khăn, trao học bổng tiếp sức học sinh nghèo đến trường...

*Kết quả, minh chứng cụ thể cho hiệu quả công tác đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân qua hình thức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh là gì, thưa ông?

Có thể khẳng định việc duy trì tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết góp phần quan trọng vào công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với việc có 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội, trong đó có trên 91,6% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, 86,7% khu dân cư, liên khu dân cư, cụm khu dân cư tổ chức bữa cơm đại đoàn kết… đã khẳng định nhu cầu kết nối, mối tương giao giữa mỗi cá nhân, cộng đồng, không phân biệt tôn giáo, thành phần dân tộc ở các khu dân cư.

Một minh chứng sống động khác qua tổ chức thành công Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là Mặt trận các cấp đã huy động được mọi nguồn lực triển khai công tác chính sách an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo thông qua việc vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, đóng góp xây dựng Quỹ Vì người nghèo…

Thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tròn 20 năm (2003 - 2023) tổ chức Ngày hội, toàn tỉnh đã kêu gọi ủng hộ Quỹ Vì người nghèo được trên 280 tỷ đồng để xây dựng 2.080 công trình dân sinh; làm mới 5.480 nhà Đại đoàn kết, trao sinh kế, hỗ trợ vốn, vật nuôi, cây trồng, chi phí khám chữa bệnh, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; tặng hàng trăm nghìn suất quà trị giá hàng tỷ đồng.

Riêng ngay trong dịp diễn ra Ngày hội đã có 2.520 nhà Đại đoàn kết được bàn giao, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia của cộng đồng, đem niềm vui đến cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm trên địa bàn tỉnh xuống từ 1,5 - 2%, qua đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Đăng Triều (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.