Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi)

20:27, 22/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). 

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu thể hiện sự đồng tình cần thiết phải sửa đổi một cách toàn diện Luật Tổ chức TAND, nhằm khắc phục những vướng mắc bất cập qua 8 năm thi hành luật; đồng thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và yêu cầu nhiệm vụ giải pháp về cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu quan tâm đến nhiệm vụ quyền hạn của TAND. Theo đại biểu, tại điểm b khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật quy định: khi thực hiện quyền tư pháp, Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết xét xử vi phạm hành chính theo quy định của Luật và tại Điều 26 quy định cụ thể nội dung này. Quy định như dự thảo luật, đại biểu cho rằng sẽ gây áp lực rất lớn cho TAND các cấp, vì hiện nay số lượng vụ án vụ việc quá nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi biên chế nguồn lực của ngành Tòa án còn hạn chế. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này cho phù hợp với thực tế khả năng triển khai thực hiện của ngành Tòa án. Hơn nữa, nếu bổ sung nhiệm vụ quyền hạn cho tòa án giải quyết xét xử vi phạm hành chính cần sửa trước các cái nội dung này trong các luật liên quan như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng hành chính…

Về tổ chức TAND, đại biểu cho biết, tại Khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật quy định: Tổ chức của TAND bao gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND phúc thẩm; TAND sơ thẩm, TAND sơ thẩm chuyên biệt và Toà án quân sự. Như vậy TAND cấp huyện, cấp tỉnh hiện nay sẽ được thay bằng TAND sơ thẩm và phúc thẩm. Qua tờ trình của TAND tối cao, sự thay đổi này nhằm mục đích bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử. 

Tuy nhiên nghiên cứu về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định cụ thể tại các điều luật cho thấy vẫn không khác gì nhiều so với luật hiện hành. Các Tòa án này vẫn được tổ chức và có thẩm quyền theo địa hạt tương ứng với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Nhìn chung, sự thay đổi này chỉ là ở tên gọi, còn nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong, cơ chế lãnh đạo của cấp ủy đảng, giám sát của cơ quan dân cử địa phương, quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan... vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Hơn nữa, Toà án cấp phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền. Đại biểu cho rằng sự thay đổi này chỉ là “bình mới - rượu cũ”, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm, nếu cần phải đổi mới thì phải đổi mới một cách toàn diện và thực chất, còn nếu chưa đủ điều kiện, tính khả thi thì nên giữ như quy định của luật hiện hành.

Về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, đại biểu cho biết, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất bày tỏ lo ngại việc giao cho người dân, đương sự tự thu thập và cung cấp chứng cứ như vậy sẽ rất khó thực hiện, bởi vì hiện nay ngay cả Tòa án thu thập chứng cứ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan, đơn vị chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu hoặc cung cấp không đầy đủ, thậm chí không cung cấp mặc dù đã có văn bản yêu cầu của Tòa án.

Nếu giao cho người dân trách nhiệm này thì sẽ còn gặp khó khăn hơn, từ đó, dẫn đến chậm trễ cho việc giải quyết, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện trình độ dân trí, sự am hiểu pháp luật của người dân như hiện nay thì nên giữ như quy định Luật Tổ chức TAND 2014.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần khẳng định việc thu thập và cung cấp chứng cứ trong vụ án dân sự là trách nhiệm của các bên tham gia tố tụng, không phải là trách nhiệm của Tòa án, Tòa án của nhiều quốc gia trên thế giới đều thực hiện như vậy. Trước đây, trách nhiệm thu thập, cung cấp chứng cứ là của người tham gia vụ kiện, nhưng đến Luật Tổ chức TAND 2014 lại quy định giao về cho Tòa án.

Từ khi thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ Tòa án gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, có trường hợp những người có liên quan chống đối, không cho thu thập chứng cứ, gây nguy hiểm cho sự an toàn của cán bộ, trong khi cán bộ của Tòa án đã phải giải quyết rất nhiều công việc tại Tòa. 

Hơn nữa, việc Tòa án thu thập chứng cứ rồi đánh giá chứng cứ sẽ không đảm bảo tính khách quan. Pháp luật cũng đã có quy định về việc các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ xét xử, do đó, cần xử lý nghiêm các cơ quan chậm cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, chứ không lấy việc các cơ quan chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm lý do giao trách nhiệm này cho Tòa án, vì nhiệm vụ của Tòa án là xét xử, còn trách nhiệm này là của đương sự, muốn bảo vệ quyền lợi của mình, muốn thắng kiện thì phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ để chứng minh…

Đại biểu khẳng định, đây là nội dung rất quan trọng và có tác động rất lớn trong lần sửa đổi này. Vì vậy đề nghị TAND tối cao có báo cáo đánh giá tác động, giải trình làm rõ thêm vấn đề này để ĐBQH và người dân có thể an tâm hơn.

Về lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán, đại biểu đề nghị làm rõ: Cơ chế để thực hiện phân công ngẫu nhiên như thế nào? Phương thức, cách thức thực hiện phân công ngẫu nhiên? Yêu cầu nào để đảm bảo được thực hiện nguyên tắc vô tư, khách quan trong phân công xét xử. Phân công ngẫu nhiên sẽ xảy ra có trường hợp vụ án khó mà giao cho thẩm phán, hội thẩm năng lực hạn chế thì sẽ không thể có chất lượng xét xử tốt được. Đại biểu đề nghị nên quy định căn cứ vào tính chất vụ án, năng lực của thẩm phán, hội thẩm để Chánh án phân công cho phù hợp.

Về phương thức tổ chức xét xử tại toà án, đại biểu đề nghị cần đánh giá lại việc tổ chức phiên toà trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội, trên cơ sở đó cần cụ thể hoá hơn nữa điều kiện tổ chức phiên toà trực tuyến và cũng chi nên quy định đối với những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, không liên quan đến bí mật nhà nước…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.