Thiêng liêng Tổ quốc
Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam cũng là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11), tôi lại có dịp đến những bản làng biên ải heo hút để hòa chung với bà con dân bản niềm vui ngày hội.
Ngày hội của bà con nơi rẻo cao cùng những người lính, những cán bộ địa phương hòa chung niềm vui đại đoàn kết diễn ra bên những cột mốc quốc giới khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn hai tiếng “Tổ quốc” thiêng liêng...
Tổ quốc, đó là nơi thấm máu…
Biên giới quốc gia trên bộ được phân định bằng những cột mốc quốc giới. Dọc dài theo biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Campuchia có hàng nghìn cột mốc như thế! Trên trang Facebook của một nhà báo, tôi từng đọc được một dòng chữ đầy lay động: “Tổ quốc, là nơi khi nghĩ về nó, phải nghĩ về những nơi thấm máu!”. Và nghĩ về Tổ quốc, hẳn rất nhiều người sẽ nhớ về những cột mốc thấm máu trên dọc dài đường biên hay những người lính đã nằm lại giữa trùng khơi mênh mông…
Vẫn còn hàng nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, được thờ vọng trên đền thờ ở cao điểm 468 (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang). |
Những cột mốc giới quốc gia, đó là cụ thể của chủ quyền Tổ quốc! Nhưng chủ quyền Tổ quốc nơi biên ải không chỉ được định vị bằng những cột mốc bằng đá hoa cương cắm sâu vững chãi vào lòng đất, được đánh dấu bằng những số hiệu. Nhiều năm qua, may mắn được đi dọc dài biên giới Việt - Trung, từ mốc số 0 ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào trên đỉnh Khoang La San (bản Tá Miếu, Mường Nhé - Điện Biên) cột mốc đầu tiên trên tuyến, cho đến cột mốc cuối cùng, cột mốc 1378 ở cửa sông Bắc Luân (Trà Cổ, Móng Cái - Quảng Ninh), chúng tôi đã gặp những cột mốc khác, đó là những tấm bia ghi tuổi tên các liệt sĩ hy sinh vào mùa xuân năm 1979 ở mỗi đồn biên phòng, là mộ bia ở những nghĩa trang dọc dài sát biên từ Điện Biên qua Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Mộ bia của những người lính đã ngã xuống ấy cũng mang hình dáng như những cột mốc quốc giới, cương trực và can trường.
Trong mỗi cột mốc ẩn chứa một truyền kỳ về dòng máu vệ quốc. Có những cột mốc phải đi 4 - 5 ngày đường, vượt qua hàng chục ngọn núi, khe suối như đường lên mốc 42 trên ngọn Phu Si Lung ở Mường Tè (Lai Châu); nhưng cũng có những cột mốc ở ngay trước sân nhà dân, mỗi sớm mai mở cửa nhà đã thấy cột mốc quốc giới gần gũi tin cậy đứng đó ở bản Hùng Pèng (Ma Ly Pho, Phong Thổ, Lai Châu).
Những cột mốc quốc giới đã cắm xong, được lính biên phòng và người dân biên giới tuần tra, gìn giữ! Những mộ bia liệt sĩ cũng mang hình dáng cột mốc được chăm sóc khói hương. Và cả những “cột mốc sống” của đất nước đang hiện ra trong dáng vóc ngàn vạn đời dân biên ải.
Và dáng hình Tổ quốc giữa trùng khơi
Còn nhớ, ngay sau khi công trình tượng Đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được khánh thành ở Cam Hải Đông (Cam Lâm, Khánh Hòa), một công ty du lịch ở TP. Hồ Chí Minh đã quyết định đưa thêm địa điểm này trở thành một điểm tham quan cho du khách trong các tour ra Nha Trang. Điểm tham quan mới này tất nhiên không chỉ là một diểm dừng chân đơn thuần của một tour du lịch, đó còn là lịch sử của đất nước được kể lại bằng hình khối của tượng đài chất chứa nhiều ý nghĩa, là những tư liệu về trận chiến bảo vệ Gạc Ma - hòn đảo chìm thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi và 64 người lính hải quân đã hy sinh…
Cụm tượng đài tưởng niệm 64 người lính đã hy sinh trên vùng biển Gạc Ma vào ngày 14/3/1988 được xây dựng ở Cam Lâm (Khánh Hòa). |
Một đất nước mà những trang biên niên sử tiếp nối luôn thắm máu những người lính thì câu chuyện về ngày hôm qua bi tráng ấy cần được kể ở bất cứ nơi đâu. Những giá trị của ngày hôm nay được đổi bằng máu xương sẽ được kể lại thuyết phục nhất khi đứng trước hàng hàng mộ bia của những người lính.
Từ tượng đài Gạc Ma ở bên thềm biển Nam Trung bộ, chúng tôi lại nghĩ về Hà Giang - miền cao nguyên đá ấy bây giờ là một hấp lực khó cưỡng với những du khách mê phượt, nhất là các bạn trẻ. Hà Giang với cả một bát quái trận đồ đá tai mèo đầy mê hoặc trập trùng rải dọc cung đường Hạnh Phúc, qua đèo Mã Pí Lèng, hẻm Tu Sản, biếc xanh dòng Nho Quế… Hà Giang với những mùa hoa tam giác mạch yêu kiều ràn rạt trong nắng gió, Hà Giang với cột cờ Lũng Cú kiêu hãnh mà ai cũng muốn đến đó, chụp một tấm hình bên lá cờ đỏ sao vàng bạt gió tung bay trên biên viễn cực Bắc. Nhưng để lá cờ Tổ quốc hôm nay tung bay kiêu hãnh nơi ải Bắc như thế, có xương máu của hàng ngàn người lính đã nằm lại dọc dài cuộc chiến tranh biên giới từ năm 1979 đến 1989.
Tổ quốc hiển linh trong hình ảnh lá cờ với bao thế hệ đổ máu để gìn giữ chủ quyền. |
Khi du khách bị hút theo tiếng gọi của mùa hoa tam giác mạch, của những đỉnh cực khát khao chinh phục, chắc cũng cần bước vào đây, Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên với hàng hàng mộ bia những người lính, hẳn rằng sau đó, cảm xúc của chúng ta về vẻ đẹp cao nguyên đá sẽ sâu lắng hơn. Và nếu Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên là nơi những người lính, dù hy sinh nhưng vẫn còn may mắn đưa được thân xác về thì chỉ cách đó chưa tới 20 km, trên những quả đồi đá phía Thanh Thủy, những điểm cao 685, 772, 1509… còn rất nhiều xương cốt người lính vẫn bị lấp chìm dưới những căn hầm mà bao năm qua nắng mưa đã xóa nhòa dấu vết. Rồi bao nhiêu nữa những hài cốt khác còn chưa về được khi rừng núi nơi này nhiều nơi vẫn chằng chịt những bãi mìn. Bao nhiêu du khách, bao nhiêu “phượt thủ” đã ghé đến những nơi chốn thế này để nghe lời thì thầm của lịch sử vọng về trong đá núi, trong những mùa hoa gạo đỏ rực đường biên, đỏ như máu những người lính trẻ nằm lại đây suốt một thập niên ầm ào bom mìn, đạn pháo.
Và máu những người lính đâu chỉ đổ xuống ở Vị Xuyên, ở Hà Giang… Dọc dài biên ải, những trang sử vệ quốc bi tráng vẫn im lặng chờ bước chân du khách lần giở và biết rằng trang sử ấy được viết bằng những dòng chữ là tên là tuổi, là quê quán, là ngày tháng hy sinh khắc tạc vào bia đá. Lịch sử được kể bởi những tượng đài ở Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh). Lịch sử dắt chúng ta lên pháo đài ở Đồng Đăng (Lạng Sơn) hay chỉ là một cái giếng sâu nơi bờ tre thuộc Tổng Chúp (Cao Bằng) hay rất nhiều tấm bia khắc tên liệt sĩ trước rất nhiều đồn biên phòng trên biên giới Việt - Trung. Những dòng lịch sử bi tráng ấy có khi được khắc ở ngoài biên giới, như ở Campuchia, hàng chục nghìn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã ngã xuống để vừa bảo vệ đất nước mình vừa giúp người dân bạn thoát họa diệt chủng.
Và vì thế trong niềm vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân của tháng 11, đến hẹn lại lên khắp mọi vùng miền, từ đô thị đến xóm quê thì niềm vui của bà con nơi bản làng rẻo cao biên viễn hay nơi chân sóng trùng khơi lại mang một tâm cảm đặc biệt gợi nhớ về hai tiếng thiêng liêng Tổ quốc…
An Du
Ý kiến bạn đọc