Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc các chương trình mục tiêu quốc gia

12:22, 16/01/2024

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu xem xét, đánh giá Tờ trình về “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” (CTMTQG).

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, xuất phát từ thực tiễn triển khai các CTMTQG và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các CTMTQG trong thời gian tới.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ đề xuất tên Nghị quyết là “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành. Trong đó, nội dung cơ bản gồm 8 cơ chế đặc thù.

Thứ nhất, về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm: Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương thực hiện các CTMTQG.

Thứ hai, về cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.

Theo đó, HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023) của các CTMTQG đã được chuyển sang năm 2024. UBND cấp tỉnh, huyện, theo thẩm quyền, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các CTMTQG các năm trước đã được kéo dài sang năm 2024.

Thứ ba, về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm khác quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, UBND cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất. Trường hợp HĐND cấp tỉnh đã ban hành quy định, UBND cấp tỉnh được quyết định việc sửa đổi, bổ sung và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Thứ tư, về cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15.

Trong đó, đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa trong phạm vi nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bổ sung đối tượng được tự thực hiện mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn

Các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hóa để bàn giao lại chủ dự án, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa theo quy định Luật Đấu thầu.

Thứ năm, về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các quy định khác có liên quan với 2 phương án đề xuất.

Thứ sáu, về cơ chế ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công cho phép địa phương sử dụng vốn cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các CTMTQG vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.

Thứ bảy, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, Chính phủ đề xuất 2 phương án về cơ chế thí điểm phân cấp để triển khai quy định tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 để Quốc hội quyết định. 

Thứ tám, về cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, trên cơ sở thực tiễn triển khai và nguyện vọng của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định tại Luật Đầu tư công.

Cụ thể, các địa phương được dự kiến một phần vốn trong trung hạn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; không bắt buộc giao tên danh mục dự án này trong trung hạn. Hằng năm, các địa phương thực hiện phân bổ, giao kế hoạch chi tiết đến từng dự án cụ thể và đảm bảo không vượt mức vốn đã dự kiến trong trung hạn.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết như trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các CTMTQG.

Thẩm tra một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đa số ý kiến của Hội đồng Dân tộc thống nhất dự thảo và thấy rằng không cần thiết dẫn chiếu các Nghị quyết của Quốc hội vì giai đoạn hiện nay chỉ có 3 CTMTQG đang thực hiện. Mặt khác tại Điều 6, đã có quy định khá rõ thời gian áp dụng đối với Nghị quyết này.  

Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Hội đồng Dân tộc cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ là phù hợp; đồng thời đề nghị nên cân nhắc bổ sung quy định phân cấp giao cho cấp tỉnh thông báo số dự kiến vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm tiếp theo để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. 

Một số ý kiến cho rằng, cần có quy định nguyên tắc cho việc phân bổ, quy định tỷ lệ nhất định trong các nhóm lĩnh vực để tránh tùy tiện, không bảo đảm mục tiêu cơ bản của các CTMTQG.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn

Về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất. Chính sách này Chính phủ cũng đã tiếp thu ý kiến của UBTVQH và ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên cần quy định đơn giản về quy trình, thủ tục và cụ thể để thực hiện ngay; nghiên cứu thêm cơ chế hỗ trợ khoán trọn gói đối với cộng đồng dân cư.

Về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, hiện Luật đầu tư công và Luật ngân sách nhà nước chưa có quy định cụ thể về bố trí vốn đầu tư công tự cân đối của địa phương để ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội.

Chính phủ đề xuất chính sách trên để cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… tương tự chính sách quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH 15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Đa số các ý kiến đều thống nhất và cho rằng, quy định ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội là phù hợp, để tăng vốn cho vay ưu đãi…

Cũng trong phiên làm việc tại hội trường, Quốc hội đã xem xét, đánh giá Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025.

Thời gian còn lại sáng 16/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG; việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.