Phát huy đức “chính” để xây dựng đội ngũ cán bộ tiên phong, “6 dám”
Giá trị cốt lõi của đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh gói gọn trong “tứ đức”: cần, kiệm, liêm, chính. Đây là yêu cầu nhất thiết, cơ bản làm nên “gốc” của người cách mạng. Trong “tứ đức” thì đức nào cũng vô cùng cần thiết, nhưng xét ra, “chính” có lẽ là khó thực hiện nhất.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để là “chính”, thì đối với mình, phải “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”.
Đối với người, “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà, đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ bác - ái”.
Đại biểu tỉnh Đắk Lắk tham gia học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XIII). Ảnh minh họa: Nguyễn Xuân |
Đối với việc, “phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”; “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm.
Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to. Cả 20 triệu đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định nhiều hạnh phúc. Ai chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt”.
Rõ ràng, hiểu được và làm đúng được đức “chính” đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có một lý tưởng cao đẹp, niềm tin sắt đá và cả sự dũng cảm, kiên cường. Thực hiện đức “chính”, nhất thiết phải xuất phát từ chính cái tâm trong mỗi con người, và hơn hết, cần phải kiên trì, bền bỉ tự tu dưỡng suốt đời.
Hiện nay, với việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta hết sức quan tâm, chú trọng. Hầu hết cán bộ, đảng viên đều hiểu rõ ý nghĩa của “cần, kiệm, liêm, chính”, từ đó không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của Bác để ngày càng tiến bộ. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những cán bộ, đảng viên chưa thể hiện được đức “chính” một cách đúng nghĩa; vẫn còn yên phận ở vị trí công tác của mình, ngại va chạm, né đấu tranh, “mũ ni che tai”, “dĩ hòa vi quý” là thượng sách; vẫn còn “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là biểu hiện của “bệnh cá nhân”, Người viết: “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ… Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích”. Căn bệnh này càng nguy hiểm khi mà đội ngũ cán bộ, đảng viên mắc phải, bởi “mắc phải bệnh đó thì dễ đi đến chỗ để lợi ích cá nhân lên trên, để lợi ích của Đảng và dân tộc xuống dưới”. Người đánh giá: “Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn yếu ớt”.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk giải quyết thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh minh họa: Lan Anh |
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. “Bệnh” này xuất hiện ở nhiều nơi, có nơi để kéo dài, làm thui chột sức mạnh tập thể, là căn nguyên khiến sức chiến đấu của tổ chức đảng suy giảm và có nơi, có lúc bị vô hiệu hóa. Do đó, cần được nhận diện, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm”. Cùng với đó, Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm đã bổ sung thêm nội dung “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, đó là điều rất cần thiết.
Hơn lúc nào hết, bên cạnh những phẩm chất, như có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay phải “6 dám”: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Có thể khẳng định, giai đoạn hiện nay, để xây dựng đội ngũ cán bộ tiên phong, “6 dám” không thể tách rời việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Rõ ràng, khi và chỉ khi người cán bộ thấm nhuần đạo đức cách mạng, đặc biệt là rèn luyện về đức “chính” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thì mới có thể trở thành cán bộ “6 dám” đúng nghĩa, góp phần phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc