Multimedia Đọc Báo in

Nhớ trận đánh Cầu 14 năm ấy...

06:48, 30/04/2024

Vào những năm 1939, nhằm mục đích di chuyển, mở rộng lãnh thổ xâm lược lên Tây Nguyên, thực dân Pháp đã xây dựng cầu 14 bắc qua sông Sêrêpốk.

Khi mới xây dựng, cầu 14 được gọi theo tiếng Pháp là “Pont de Srépok”, nghĩa là “cầu Srépok”, được lấy tên từ chính tên dòng sông mà cây cầu bắc qua. Ngoài tên gọi trên, chính quyền Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa còn gọi cây cầu này là Cầu 14, vì cầu nằm trên đường 14, cách trung tâm Buôn Ma Thuột khoảng 14 km.

Cầu 14 bắc qua sông Sêrêpốk, bắt đầu xây dựng vào năm 1939 và hoàn thành năm 1941, được thiết kế với kết cấu giàn bê tông cốt thép liên tục chạy dưới, dài 155 m, rộng 5 m, có 4 nhịp, một làn đường cho người đi bộ 1,37 m, làn đường xe chạy là 2,8 m, tải trọng 5 tấn.

Vào những năm đầu thập niên 1940, cầu Sêrêpốk thuộc loại hiện đại và có kiến trúc đẹp bậc nhất Tây Nguyên. Chính các chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở Buôn Ma Thuột phải đi lao động khổ sai để xây dựng cầu dưới sự quản thúc dã man, hà khắc của thực dân Pháp xâm lược.

Sau thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đầu năm 1969, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đồng thời mở rộng chiến tranh trên diện rộng ở Đông Dương, thực hiện mưu đồ “Đông Dương hóa chiến tranh”.

Khu vực cầu 14 ngày nay.

Xác định Cầu 14 có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự, kinh tế, chính trị…, địch đã thiết lập một trung đội bảo an tại đây nhằm ngăn chặn tuyến chi viện của ta từ miền Bắc vào miền Nam và kiểm soát việc đi lại của người dân, các cơ sở cách mạng của ta với nội thành thị xã Buôn Ma Thuột, kết hợp đánh phá quân giải phóng ta, mở rộng và củng cố địa bàn chiến lược, lấy Tây Nguyên làm bàn đạp tấn công và đánh phá miền Bắc.

Tại cứ điểm Cư Jút, ta chuẩn bị cho trận đánh phá hủy mố cầu, sập lô cốt Cầu 14.

Đội biệt động K2, H6 (mật danh thị xã Buôn Ma Thuột) được thành lập, lúc đầu chỉ có 14 đồng chí sau đó bổ sung lên 30 thành viên, do đồng chí Hồ Xuân Diêm chỉ huy, đồng chí Nguyễn Văn Vinh làm Chính trị viên.

Đội được biên chế 2 tiểu đội nữ do đồng chí Trần Thị Vinh và đồng chí Nguyễn Thị Yến làm tiểu đội trưởng. Đội K2 phụ trách theo dõi, hoạt động từ khu vực phía nam Buôn Ma Thuột.

Đội đứng chân ở phía bắc Buôn Ma Thuột và hoạt động đánh vùng ven có nhiệm vụ phối hợp với tổ tự vệ mật, các cơ sở mật và các lực lượng khác của ta nhằm tiêu hao sinh lực địch, làm rối loạn tinh thần, gây hoang mang và làm giảm tính hung hăng của quân lính lực lượng Việt Nam Cộng hòa.

Đầu năm 1969, nhận lệnh của Ban Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, đội Biệt động K2 được giao nhiệm vụ kết hợp với đơn vị V12 đánh sập lô cốt phía Nam mố Cầu 14 (nay thuộc thôn 11, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) – nơi lực lượng Việt Nam Cộng hòa bố trí một trung đội để kiểm soát.

Hai đội K2 và V12 đã lên kế hoạch, thay phiên nhau theo dõi địch liên tục trong 10 ngày để nắm rõ các yếu tố lực lượng địch canh giữ mố cầu. Sau thời gian quan sát, theo dõi, hai đội đã nắm rõ tình hình của địch, lên được sơ đồ, bản đồ và phương án tác chiến chi tiết, báo cáo Ban Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên và được Ban Chỉ huy đồng ý cho sử dụng hỏa lực (50 kg thuốc nổ, 1 quả mìn đánh tăng và sử dụng kíp hẹn giờ điểm hỏa) để đánh sập chốt cầu.

Đêm 2/2/1969, đơn vị K2 gồm bốn đồng chí: Trần Văn Phước, Nguyễn Văn Đồng, Trần Thị Vinh và đồng chí Nguyễn Văn Hiền làm chỉ huy; V12 của Tỉnh đội dẫn đường gồm hai đồng chí: Buôn Yă Quý và Y’Jui quyết tâm phải tiêu diệt được chốt Cầu 14.

Trong đó, thuyền của đồng chí Phước và Buôn Yă Quý đi trước dẫn đường; thuyền chở 50 kg thuốc nổ do đồng chí Trần Thị Vinh phụ trách và thuyền chở mìn đánh tăng do đồng chí Nguyễn Văn Đồng phụ trách theo sau.

Đến khoảng 12 giờ kém 20 đêm 2/2/1969, từ phía bắc sông Sêrêpốk, lợi dụng dòng chảy men theo dọc bờ sông, đội dừng lại cách lô cốt địch khoảng 100 m, đồng chí Phước và đồng chí Đồng đã bí mật tiếp cận mục tiêu, móc 50 kg thuốc nổ vào một mấu sắt phía dưới mố cầu.

Theo đúng giờ hẹn điểm hỏa, vào lúc 00 giờ ngày 3/2/1969, vừa mìn, vừa thuốc nổ nổ vang trời, lô cốt và chốt tại Cầu 14 bị đánh sập xuống sông, phần lớn lực lượng của một trung đội Việt Nam Cộng hòa đóng tại đây bị tiêu diệt.

Sự kiện đánh phá Cầu 14 góp phần chia cắt tuyến đường huyết mạch nối Tây Nguyên với Sài Gòn; làm cản trở đường hành quân cơ giới của lực lượng Việt Nam Cộng hòa chi viện từ hướng Buôn Ma Thuột cho Đức Lập, Quảng Đức.

Hiện nay, Di tích lịch sử khu vực Cầu 14 tại thôn 11, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận là di tích cấp tỉnh vào tháng 1/2024.

Đoàn Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.