Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất

14:18, 23/05/2024

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Đa số các đại biểu thống nhất với những giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tình hình KT-XH những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: quochoi.vn
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy nền KT-XH phát triển trong thời gian tới cần quan tâm hơn đến phát triển thị trường nội địa; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, tạo động lực về đầu tư, ưu tiên thu hút doanh nghiệp công nghệ cao phát triển… Tình hình kinh tế trong nước năm 2023 cho thấy, tỷ giá có biến động lớn do áp lực của đồng tiền các nước, nhưng nước ta vẫn giữ vững ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khi cơ cấu đầu tư tư nhân đóng vai trò quyết định trong tổng cầu tăng trưởng kinh tế thì việc đầu tư còn yếu; đầu tư công vẫn chưa thu hút đầu tư tư nhân.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hiện nay thành lập mới tăng nhưng giải thể, phá sản, ngưng hoạt động cũng tăng cao. Thành lập mới và tái hoạt động so với số giải thể, chờ phá sản còn thấp hơn. Cùng với đó, số vốn thành lập trên một doanh nghiệp thấp đi.

Để nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đại biểu nêu quan điểm: Chính sách tài khóa của nước ta còn dư địa nên có thể sử dụng các nguồn lực tài khóa, gói hỗ trợ thông qua các khoản thuế, phí như giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ nền kinh tế. Bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang phát huy hiệu quả, kích thích sản xuất, hỗ trợ nền kinh tế.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: quochoi.vn

Thời gian tới, phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp thành lập, khai thác nguồn lực xã hội cho đầu tư. Đại biểu cho rằng “cần rất nhiều điều phải nghiên cứu” khi nhắc đến thủ tục đầu tư, cơ chế chưa đồng bộ khi sử dụng nguồn lực chi thường xuyên, chi đầu tư, chi từng nguồn vốn sự nghiệp. Những bất cập đã làm “thủ tục đầu tư” rất chậm. Các dự án y tế, giáo dục, giao thông còn chậm, phải đẩy nhanh các dự án trọng điểm.

Bày tỏ quan tâm đến biến đổi khí hậu tác động đến sự phát triển nông nghiệp, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần có đánh giá tổng quan đến năm 2025; để tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp thì cần có giải pháp nâng tỷ lệ vay vốn của hợp tác xã từ ngân hàng với chỉ tiêu cụ thể.

Trong khuôn khổ phiên họp tổ, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Theo đó, đa số các ĐBQH cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm, rà soát sự lãng phí đối việc thực hiện các dự án đầu tư công, chậm tiến độ. Bên cạnh đó là quan tâm hơn tới việc sử dụng ngân sách tiết kiệm khi tổ chức các lễ hội văn hóa, hoạt động nghệ thuật…

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.