Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:
Xem xét dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và TP. Đà Nẵng
Sáng 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết số 39, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị, nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước (4 chính sách); Quản lý đầu tư (6 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.
Về các đặc thù về số lượng cấp phó (khoản 1 Điều 6), dự thảo quy định: "UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch”. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và đã được Bộ Chính trị đồng ý tại văn bản số 10036-CV/VPTW ngày 27/5/2024. Do đó, nhất trí với dự thảo nghị quyết.
Về điều khoản thi hành, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa thể hiện rõ thời hạn có hiệu lực của nghị quyết. Do vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung này và quy định cụ thể trong nghị quyết thời hạn áp dụng là 5 năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Ảnh: quochoi.vn |
Có ý kiến đề nghị xem xét thống nhất hiệu lực thi hành của nghị quyết này cùng với hiệu lực thi hành của Nghị quyết số 36/2021/QH15 để bảo đảm đánh giá đồng bộ các cơ chế thí điểm của tỉnh Nghệ An.
Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội cũng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Nghị quyết với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đầy đủ, khoa học.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua 3 năm thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đã phát huy nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh phát triển thực tế hiện nay và qua đánh giá, TP. Đà Nẵng đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Ảnh: quochoi.vn |
Dự thảo Nghị quyết bao gồm 3 Chương với 18 Điều. Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng như sau: (1) tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2019/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; (2) đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi, bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.
Liên quan đến các chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng gồm 9 chính sách, trong đó có 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã được áp dụng và 2 chính sách đề xuất mới. Các chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm gồm 21 chính sách, trong đó có 06 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, Thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Thành phố và 05 chính sách đề xuất mới.
Thẩm tra dự thảo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, qua tổng kết Nghị quyết số 43-NQ/TW và quá trình thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 cho thấy, các quy định hiện hành chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn; do vậy, cần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo tiền đề cho sự phát triển của TP. Đà Nẵng thời gian tới.
Liên quan đến nhóm chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho thấy, các ý kiến cơ bản nhất trí với những chính sách Chính phủ trình và thể hiện cụ thể trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Đối với một số chính sách cụ thể, về thu hút đầu tư chiến lược (Điều 12), Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với chủ trương cần có chính sách mạnh mẽ nhằm thu hút đầu tư, nhất là ở một số lĩnh vực phù hợp đặc thù TP. Đà Nẵng, song cũng nhận thấy theo dự thảo Nghị quyết thì: Đối tượng thu hút là các dự án quy mô vốn trung bình; lĩnh vực, phạm vi ưu tiên thu hút tương đối rộng; điều kiện cần đáp ứng khá đơn giản.
Do vậy, đề nghị đánh giá tác động đối với ngân sách nhà nước để có thêm căn cứ, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định quy mô vốn đầu tư tương ứng với từng loại hình, rà soát danh mục ngành nghề ưu đãi, bảo đảm tính hợp lý, thuyết phục.
Về chủ trương thí điểm thành lập khu thương mại tự do (Điều 13), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý.
Đây là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP. Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới; nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng và của cả vùng. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chủ trương này của Bộ Chính trị, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ, quy định cụ thể về một số nội dung sau: Khái niệm, mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng… Khu thương mại tự do; tác động đến phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội và tính lan tỏa vùng miền...
Buổi chiểu cùng ngày, các đại biểu thảo luận ở tổ về hai dự thảo nghị quyết nói trên và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc