Multimedia Đọc Báo in

Thêm một góc nhìn về chiến cuộc ở miền Nam vào những ngày cuối tháng 4/1975

06:46, 01/05/2024

Trên BBC News tiếng Việt mới đây, TS. Nguyễn Tiến Hưng có bài viết với tựa đề: “Tại sao quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) suýt bắn nhau tan nát vào giờ chót”.

 

Ông Nguyễn Tiến Hưng từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ VNCH kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước năm 1975 ở Sài Gòn.

Theo tác giả Nguyễn Tiến Hưng, chính ông Graham Martin, Đại sứ Mỹ cuối cùng ở Sài Gòn đã kể về khả năng quân đội Mỹ - VNCH suýt chạm súng và Sài Gòn đã tan nát khi Mỹ tìm đường tháo chạy vào những ngày cuối tháng 4/1975.

Lúc bấy giờ, Mỹ đã huy động bốn hàng không mẫu hạm: Hancock, Coral Sea, Midway và Enterprise tập hợp lại thành một hạm đội ở ngoài khơi Việt Nam để sẵn sàng ứng chiến nếu quân đội VNCH quay súng bắn vào những địa điểm di tản của người Mỹ. Câu chuyện nghe như tiểu thuyết, nhưng nó đã thực sự xảy ra vào lúc người Mỹ rục rịch tháo chạy khỏi Việt Nam.

Đám đông tìm cách leo vào Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trong thời khắc cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Ảnh tư liệu

Cuối tháng 4/1975, những tin tức về khả năng này đã được các tạp chí Time, Newsweek đề cập đến. Với tựa đề “Kế hoạch cho việc di tản cuối cùng”, tờ Time ngày 21/4/1975 thông tin: "Có một khả năng ác liệt khác là quân đội miền Nam Việt Nam sẽ quay súng bắn vào phi trường Tân Sơn Nhất, vào phía Tân Cảng, hay bắn vào chính cả cái bãi đáp trực thăng trên nóc tòa Đại sứ Mỹ nữa, nếu những người Mỹ rục rịch di tản… Một đơn vị 2.200 lính thủy quân lục chiến đã được huy động tới bốn mẫu hạm này và những tàu hộ tống khác. Nếu cần, quân đội Mỹ có thể được không vận vào Sài Gòn, bắn phá mở đường đến một địa điểm an toàn, rồi chở đoàn người di tản bằng trực thăng tới các chiến hạm ngoài khơi”.

Theo lời kể của Đại sứ Graham Martin, kế hoạch di tản có mật hiệu là Talon Vise nhằm di tản 6.000 người Mỹ và một số nhỏ người Việt bằng máy bay lớn cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, yểm trợ bằng quân lực Mỹ. Kế hoạch tháo chạy gồm bảy động thái: Tập hợp một số chiến hạm gồm bốn hàng không mẫu hạm cỡ lớn và một mẫu hạm chở trực thăng ở sát hải phận Việt Nam. Huy động từ 3 - 6 sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ để thiết lập “một hành lang di tản”. Trực thăng chở 6.000 người Mỹ và một số người Việt có “rủi ro cao độ” từ trung tâm Sài Gòn ra Tân Sơn Nhất. Thủ quân lục chiến bay vào bao vây phi trường Tân Sơn Nhất để bảo đảm an toàn. Máy bay phản lực của Mỹ bao phủ vòm trời từ Sài Gòn ra Vũng Tàu. Thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ Vũng Tàu. Từ Vũng Tàu, máy bay chở người di tản tới phi cảng Clark ở Philippines.

Ngày 27/1/1976, trong một buổi điều trần tại Hạ viện Mỹ về cuộc di tản, ông Martin đã nói tới nỗi lo lắng về sự phản bội trắng trợn của Mỹ và hậu quả của nó là số người Mỹ còn lại và một số nhỏ người Việt được chọn không thể rời Sài Gòn. Trong trường hợp đó, quân lực Mỹ sẽ phải bay vào can thiệp, dẫn tới khả năng đụng độ giữa hai quân đội Mỹ và VNCH. Đó là một tình huống “ê chề” nhất, mà lại vào giờ chót.

Đại sứ Mỹ Graham Martin trả lời báo chí trên tàu USS Blue Ridge ở Biển Đông sau khi rời khỏi Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Khi bị chất vấn là tại sao ông không yêu cầu Tổng thống Gerald Ford cho di tản trước ngày 29/4/1975, ông Martin trả lời: "Không, vì theo đánh giá kỹ nhất của tôi, nếu làm sớm hơn sẽ có nguy cơ là xảy ra một tình trạng hỗn loạn với kết quả là một số rất đông người Mỹ sẽ chết. Nó sẽ đưa tới một sự khủng khiếp nặng nề nhất, đó là nhu cầu phải đưa quá nhiều quân lực Mỹ vào, và chúng ta sẽ phải chiến đấu với quân đội miền Nam để mở đường tháo chạy. Bởi vì, khi thấy sự tháo chạy quá lộ liễu của quân đội Mỹ như thế, liệu các đơn vị quân đội, cảnh sát, nghĩa quân, địa phương quân, dân chúng VNCH có để yên hay không?”.

Ông Martin giải thích cho Quốc hội Hoa Kỳ đầu năm 1976: "Nếu chúng ta không cư xử cho đúng mức thì đồng minh của chúng ta (VNCH) sẽ cảm thấy bị bỏ rơi và họ sẽ trở mặt với Mỹ trong những ngày cuối cùng. Bởi vậy phải hết sức bình tĩnh nếu muốn di tản được người Mỹ, những người Việt có liên hệ gia đình với Mỹ và càng nhiều nếu có thể được, số người Việt mà Mỹ có trách nhiệm đối với họ”.

Trước sự phản đối liên tục và mạnh mẽ của Đại sứ Martin, sau cùng thì Tổng thống Ford đã được thuyết phục và hủy bỏ kế hoạch Talon Vise. Vào lúc 4 giờ 5 sáng 29/4/1975 (4 giờ 5 chiều 28/4 giờ Washington), những hỏa tiễn đầu tiên của quân giải phóng rơi trúng phi trường Tân Sơn Nhất, Tổng thống Ford ra lệnh khởi động kế hoạch Frequent Wind (Hành quân gió nhanh) - di tản bằng trực thăng. Ông Martin miễn cưỡng đồng ý nhưng vẫn tiếp tục gửi điện văn từng giờ xin thêm trực thăng để di tản người Việt cho đến lúc 4 giờ 45 mờ sáng 30/4/1975, khi có lệnh của Tổng thống là phải bước lên chiếc trực thăng cuối cùng mang bảng số Lady Ace 09.

Mạnh Phong


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Thư ngỏ vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vừa có Thư ngỏ vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Đắk Lắk hưởng ứng Tháng cao điểm "Vì người nghèo" từ ngày 17/10 đến 18/11/2024.