Vết thương mang tên: Sợ hãi, ám ảnh và day dứt
Có điểm tương đồng như “Lời đồn về chiến tranh” của Philip Caputo và “Sinh ngày 4 tháng 7” của Ron Kovic, “Những bài học chiến tranh” của John Merson cũng là một hồi ký về chiến tranh.
Điều khiến tôi quan tâm đến “Những bài học chiến tranh” còn là bởi cha đẻ của cuốn sách này là một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và mục đích của tác giả là toàn bộ tiền bán sách được chuyển cho quỹ rà phá bom mìn các tỉnh miền Trung.
Kenneth H.Bacon từng là trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong suốt thời kỳ Tổng thống Bill Clinton; sau đó ông trở thành Chủ tịch Tổ chức Người tị nạn Quốc tế tại Washington D.C từ năm 2000 đến năm 2009, đã giới thiệu: “Cuốn sách này nói về cái chết và sự tái sinh, là câu chuyện về một cựu chiến binh đã nỗ lực vượt qua những sai lầm trong chiến tranh bằng việc tìm hiểu và giúp xây dựng lại đất nước mà trước đây ông từng được huấn luyện để tiêu diệt”.
Nhưng xin được giới thiệu chi tiết về cuốn sách vào một dịp khác.
Ở bài viết này, chỉ là một chút chia sẻ giãi bày cảm nhận về vết thương tinh thần, một góc nhìn về chiến tranh từ chính người từng ở bên kia chiến tuyến, sau khi đọc và khép lại dòng cuối cùng trong “Những bài học chiến tranh”.
John Merson từng tình nguyện tham gia cuộc chiến ở Việt Nam vì ông tin rằng chiến đấu là con đường để trở thành một người đàn ông thực thụ và vì ông muốn trở thành anh hùng. Nhưng rồi ông và nhiều cựu binh Mỹ khác cũng bị vỡ mộng về thực tế phũ phàng của cuộc chiến, chỉ còn lại những vết thương mang tên nỗi sợ hãi, ám ảnh và mặc cảm tội lỗi.
Nhiều cuộc đàn áp đã diễn ra trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh |
Ám ảnh và mặc cảm tội lỗi bởi sự kinh hoàng của nhiều cuộc thảm sát trong cuộc chiến ở Việt Nam mà Mỹ đã thực hiện. Với John Merson, trong “Những bài học chiến tranh”, ông ám ảnh nhất là vụ thảm sát ở địa danh có cái tên Đại Lộc – một ngôi làng nhỏ nằm ở phía tây Đà Nẵng.
Thời điểm đó vào khoảng năm 1967, dù ông không trực tiếp tham gia tàn sát, giết hại, chỉ đứng trên đồi cao chứng kiến nhưng sau vụ thảm sát, những hình ảnh về người bị thương, bị chết và các thây người chết nằm chất đống lên nhau đã vò nát suy nghĩ; việc đốt nhà, đốt thùng gạo và làng mạc đã dần dần đốt cháy suy nghĩ của ông và nhiều lính Mỹ khác.
John Merson bày tỏ: “… Nỗi sợ hãi có trong không khí tôi thở, nước tôi uống và mặt đất tôi ngủ… Nỗi sợ hãi trải khắp địa hình tác chiến như một màn sương mù vậy”.
Đó là nỗi sợ hãi với những quả mìn chôn dưới đất, những hố chông sắc nhọn được tre cỏ phủ lấp những vị trí và những góc mà lính bắn tỉa thường chọn; những con rắn độc trông như những cành tre xanh và tiếng rít của viên đạn súng cối đang tới gần.
Nỗi sợ hãi nằm dọc con đường làng, dọc những bờ ruộng khi tìm kiếm và phát hiện thấy những dây bẫy mìn… Có thể gọi tên đó là nỗi sợ hãi trước sự thông minh và kiên cường, mưu trí của những người dân Việt Nam trong cuộc chiến vệ quốc.
Trở về sau cuộc chiến, nhiều cựu binh Mỹ cần được chăm sóc sức khỏe dài hạn. Nhưng gian nan cho hành trình chứng minh bệnh có nguyên nhân do từng phục vụ trong quân đội đã cho họ nghiệm ra rằng khi một cuộc chiến tranh này kết thúc, một cuộc chiến tranh khác lại bắt đầu – cuộc chiến của những người lính yêu cầu được chăm sóc sức khỏe để có thể hàn gắn những vết thương của họ. Nhưng những vết thương khó chữa và khó lành chưa hẳn là trên cơ thể mà đó là thương tật trong tinh thần và vẫn mang tên nỗi sợ hãi. Với John Merce, “…
Nỗi sợ hãi đã ngấm vào tôi, mặc dù hiếm khi có một lý do nào khiến tôi phải sợ. Tôi thường có xu hướng nhảy dựng lên nếu có tiếng ồn lớn, tôi không muốn nghe tiếng pháo hoa và rất thích đi bộ trong rừng”. John Merce lâm vào tình trạng bị suy nhược và phải trị liệu tâm lý trong gần bảy năm trời.
Cuộc thảm sát ở Đại Lộc đã dạy cho John Merson học được cách nghi ngờ những cụm từ được đưa ra nhằm che đậy bản chất của tội ác. Ông ám ảnh và day dứt với những câu hỏi, lời tự vấn: Liệu chiến tranh đã thực sự kết thúc khi việc chết chóc không còn? Liệu chiến tranh đã kết thúc khi những đứa trẻ lớn lên không có cha mẹ? Chiến tranh chưa kết thúc khi những người nông dân và con em họ vẫn thiệt mạng do bom mìn đạn pháo còn sót lại. Chiến tranh chưa kết thúc khi trẻ em và bố mẹ các em vẫn chết do ảnh hưởng chất độc da cam…
Vết thương tinh thần mang tên nỗi sợ hãi, ám ảnh và day dứt của chính những người từng ở bên kia chiến tuyến như John Merson cũng là một bản tuyên án về sự tàn khốc trong cuộc chiến xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Và ý nghĩa, giá trị của “Những bài học chiến tranh” chính là ở thông điệp: “…
Chiến tranh không giải quyết được vấn đề gì; nó không những không giải quyết được vấn đề gì mà thậm chí còn làm cho những vấn đề đó ngày càng trầm trọng thêm…
Chiến tranh sẽ kết thúc khi người dân và chính phủ không còn xem chiến tranh là cách để giải quyết vấn đề”.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc