Động lực của sự phát triển
Cán bộ, công chức, viên chức là đội ngũ có trách nhiệm thực thi công vụ, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Trong thời đại 4.0 với những yêu cầu ngày càng cao hơn, đòi hỏi phải chọn đúng người, giao đúng việc theo năng lực, sở trường nhằm tạo động lực cho sự phát triển.
Đủ tâm, xứng tầm
Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến ba đột phá chiến lược gồm: thể chế, nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao) và hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, Đảng tiếp tục nhấn mạnh về phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện hơn: “Phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài…”.
Nâng cao đạo đức công vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân trong thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Hoàng Gia |
Theo Nghị quyết Đại hội XIII, điểm mấu chốt trong giai đoạn phát triển mới hiện nay là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý. Bởi có lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm, phong trào sẽ đi lên và ngược lại. Do đó, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trí lực có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiệm vụ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, cán bộ chủ chốt của tỉnh đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi trội, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có tâm, có tài, có uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ này, trong Nghị quyết Đại hội XVII, Đảng bộ tỉnh cũng đã đề ra khâu đột phá “Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương”. Trong đó, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”.
Đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 19/5/2022 về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 27/7/2022 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh đã tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ đến thực hiện chính sách cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, bình đẳng, có cạnh tranh; quan tâm đào tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, bảo đảm cơ cấu, chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, tránh hụt hẫng, không có tính kế thừa.
Đại diện cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nêu ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị đối thoại với lãnh đạo tỉnh năm 2023. |
Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai thực hiện theo đúng phương châm “động” và “mở”, chủ động tạo nguồn, bố trí cán bộ, khắc phục tình trạng hụt hẫng trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ về chuyên môn và lý luận chính trị.
Nhằm lựa chọn, sử dụng cán bộ có năng lực và đổi mới quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức danh lãnh đạo, quản lý, tỉnh đã thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”. Theo đó, tỉnh đã tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm 6 lãnh đạo, quản lý các cấp; thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn thông qua bảo vệ chương trình hành động, làm cơ sở để thực hiện các bước về công tác cán bộ. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy quan tâm, thực hiện tốt việc bố trí chức danh bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, đến nay đã thực hiện ở 15/15 huyện, thị xã, thành phố.
Công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp; quy trình đánh giá được thực hiện chặt chẽ, dân chủ, khách quan, đúng quy định, thực chất, giúp cán bộ “tự soi, tự sửa”.
Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được coi là khâu quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, ngang tầm nhiệm vụ. Vì vậy, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thực hiện tốt các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm… tạo hành lang pháp lý quan trọng để công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch.
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 44.224 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 13,2%, khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (cấp tỉnh, huyện) chiếm 15,5%, khối Nhà nước chiếm 11,2%, khối sự nghiệp 13,3%. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc