Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:

Thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025

14:17, 21/06/2024

Sáng 21/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội xem xét, thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 8 chương, 65 điều.

Về lưu trữ tài liệu điện tử, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 6 Điều 15 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung nội dung giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định cụ thể danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức (bao gồm tài liệu lưu trữ điện tử).

Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Về việc tiếp cận tài liệu lưu trữ là tài liệu điện tử, dự thảo Luật đã có quy định về tiếp cận thông tin trong tài liệu lưu trữ (Điều 25), quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin trong tài liệu lưu trữ (Điều 26) áp dụng cả đối với tài liệu lưu trữ giấy và tài liệu lưu trữ điện tử. Việc xác định chủ thể và thông tin được tiếp cận trong các trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật có liên quan, do đó đã bao hàm nội dung ĐBQH đề nghị.

Về đề nghị tích hợp tài liệu điện tử và vấn đề cải cách thủ tục hành chính, UBTVQH nhất trí với ý kiến của đại biểu và nhận thấy, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nhiều tài liệu liên quan đến quy trình giải quyết thủ tục hành chính, bao gồm các tài liệu thuộc lưu trữ hiện hành đều được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức và mọi người đều có thể tiếp cận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Điều 42 của dự thảo Luật đã quy định lưu trữ lịch sử, cơ quan, tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ có trách nhiệm công khai danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, đã đáp ứng yêu cầu như đề nghị của đại biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, UBTVQH cũng tiếp thu, giải trình một số nội dung khác. Trong đó, tài liệu lưu trữ là đối tượng điều chỉnh của Luật Lưu trữ nên việc thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ, trong đó có hoạt động bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phải tuân thủ quy định của Luật Lưu trữ; trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật Lưu trữ, còn phải tuân thủ quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan như quy định tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật là phù hợp.

Các vị đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Các vị đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Về đề nghị rà soát các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với Luật Giao dịch điện tử, các luật khác và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thống nhất với Luật Giao dịch điện tử, Luật Di sản văn hóa và các luật khác có liên quan như đã báo cáo cụ thể tại các mục nêu trên…

Tại phiên làm việc, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi), với 93,84% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, với 91,99% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc