Multimedia Đọc Báo in

Khói nhang và mây trắng trên núi đá Vị Xuyên

08:32, 28/07/2024

Tháng Bảy, với người Việt được coi như “mùa vọng” của người còn sống với người đã khuất. Ở mảnh đất Hà Giang địa đầu Tổ quốc, tháng Bảy có một “mùa vọng” riêng của những cựu binh mặt trận Vị Xuyên.

Sự hy sinh của những người lính ấy dọc dài suốt gần 10 năm, trải qua từng ngày từng tháng, nhưng với anh em cựu binh Sư đoàn 356, ngày 12/7 là ngày “giỗ trận” cho hàng trăm đồng đội nằm lại trên những ngọn đồi đá Thanh Thủy (Vị Xuyên).

Tháng Bảy năm nay vừa tròn 40 năm (12/7/1984 – 12/7/2024) kể từ buổi sáng mở đầu chiến dịch MB-84 để rồi chỉ trong buổi sáng hôm đó, chỉ riêng Sư đoàn 356 đã có hơn 600 người lính ngã xuống, hàng trăm anh em khác bị thương. Và sau 40 năm, hơn 1/3 những người lính hy sinh trên những mái đồi đá Vị Xuyên vẫn chưa tìm thấy được hài cốt để đón về nghĩa trang liệt sĩ cùng anh em đồng đội!

Trên đài hương 468

“468” là tên của một cao điểm trong rất nhiều cao điểm như 772, 1509, Cô Ích… nơi đã diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra từ năm 1984 - 1989 tại mặt trận Vị Xuyên. Và trận đánh bi tráng nhất diễn ra tại những ngọn núi thuộc xã Thanh Thủy của huyện Vị Xuyên vào ngày 12/7/1984. Ít ai biết hơn 10 năm trước, khi cuộc chiến ở mặt trận Vị Xuyên chưa được nhắc đến nhiều thì những cựu binh Sư đoàn 356 đã trở lại Thanh Thủy góp nhau từng bao xi măng, từng viên gạch để dựng một “Đài hương” cho linh hồn đồng đội có chỗ đi về giữa điệp trùng đá núi!

Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên những đồi đá Vị Xuyên.

Gọi là đài hương nhưng thật ra chỉ là một cái am nhỏ được xây trên một mái đồi được san phẳng một góc, đủ rộng để đặt bình hương và đĩa hoa quả. Nhưng dưới chân đài hương là dấu tích một căn hầm của 30 năm trước, một căn hầm chữ A được lắp ghép bằng những thanh bê tông cốt thép đúc sẵn hình vòng cung, hai thanh bê tông như thế khi ốp chụm vào nhau sẽ tạo thành một khung hầm vững chãi. Căn hầm ấy từng là sở chỉ huy của trung đoàn trong trận đánh tổng lực ngày 12/7/1984. Năm 2015, tôi theo các cựu binh Sư 356 lên đây. Sau phút dâng hương, những người lính đã ngồi bệt xuống khoảng sân quanh đài hương và cất tiếng hát, cây ghi ta trên tay nhạc sĩ Trương Quý Hải bập bùng những âm giai rất lính.

Tôi đã lặng người khi nhìn lên triền núi lởm chởm đá vôi, đá tai mèo của các cao điểm 685, 772, 1509. Nhiều cựu binh bảo hồi đánh Thành cổ Quảng Trị, tuy khốc liệt nhưng vẫn có bờ thành để ẩn nấp, còn đánh trên các điểm cao này đá cứng lắm không thể đào công sự, người lính trần thân trên đá, quật cường xông lên và hy sinh. Nhìn những làn khói nhang từ đài hương cứ bay vấn vít về những mái đồi đá của các cao điểm, khi ấy chúng tôi bỗng ước gì ngay trên điểm cao 468 này có một tháp chuông được dựng lên, tiếng chuông quê nhà, như tiếng chuông chùa sẽ vang vọng vào vách đá, gọi hồn những người lính nương theo tiếng chuông để về đây ấm áp linh hồn.

Trước đó nữa, câu chuyện về những cựu binh của mặt trận Vị Xuyên bị quên lãng đã được kể lại trên báo.

Sau bài báo kể về trận đánh 12/7/1984 đó, những cựu binh của chiến trường Vị Xuyên được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trân trọng mời vào gặp mặt ở Phủ Chủ tịch.

Ngoài những điều ông chỉ đạo cho các ban, bộ, ngành về lo các chính sách cho anh em, việc xây dựng một đền thờ khang trang để thờ phụng các liệt sĩ Vị Xuyên thay cho ngôi am nhỏ trên điểm cao 486 được ông vận động xã hội hóa để triển khai rốt ráo.

Và chỉ chưa đầy hai năm sau cuộc gặp ấy, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của mặt trận Vị Xuyên đã được khánh thành từ nguồn kinh phí xã hội hóa của hàng vạn tấm lòng, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của các thành viên nhóm “Chia sẻ-Sharing” mà bà Mai Thị Hạnh, phu nhân của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sáng lập.

Tạc vào đá một tấm lòng!

Bây giờ trên những đồi đá Vị Xuyên đã dựng lên một công trình tưởng niệm những người lính đã bám trụ cùng “lò vôi thế kỷ” và “thung lũng gọi hồn”. Công trình không lớn nhưng ấm áp và gần gụi, gồm một mái tam quan, nhà bia và đền thờ. Nhìn quần thể tưởng niệm khang trang trên điểm cao 468, những ai lần đầu đến đây sẽ không hình dung được khởi đầu của nó chỉ là một cái am nhỏ bằng xi măng, được dựng lên gần 10 năm trước.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một chuyến đi hỗ trợ cho đồng bào biên giới Hà Giang.

Ngay trước lối vào khu tưởng niệm, một tấm bảng màu đỏ khắc 9 chữ vàng như một tuyên thệ của lính Vị Xuyên: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Lời thề ấy bắt đầu từ một dòng khắc trên báng súng của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh. Cạnh tấm bảng khắc lời thề người lính là một gốc hoàng mai Yên Tử được trồng lưu niệm bởi chính tay nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào dịp giỗ trận lần thứ 35 (12/7/2019) của lính Vị Xuyên.

Một gốc mai vàng như tấc lòng vị nguyên thủ quốc gia, một lời thề rút ruột của người lính. Hai ý niệm đứng bên nhau như một khởi nguồn của tình yêu vô bờ bến với quê hương xứ sở. Nhìn cây hoàng mai Yên Tử, chúng tôi nhớ mãi chi tiết ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang kể rằng ông Trương Tấn Sang vốn là người nặng lòng với biên giới.

Từ khi đương chức hay sau này đã về hưu, cứ đúng dịp kỷ niệm ngày 17/2 (ngày khởi đầu của cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc năm 1979) và dịp “giỗ trận” 12/7 (ngày giỗ trận của lính Vị Xuyên), ông Trương Tấn Sang đều lên với Hà Giang.

Và từ rất lâu rồi, khi nghe về câu chuyện hàng nghìn hài cốt người lính đang nằm lại giữa “lò vôi thế kỷ”, ông đã đặt vấn đề: “Ngay những chiến sĩ hy sinh giữa biển khơi mênh mông như thế chúng ta vẫn tìm được hài cốt để đưa về, nên dù khó khăn đến mấy cũng phải quy tập cho được những anh em đang nằm trên những cao điểm núi đá Hà Giang này”.

Tâm nguyện của ông cũng là một động lực để việc quy tập được xúc tiến rốt ráo hơn, những lực cản lớn nhất với công cuộc tìm kiếm như bom mìn dày đặc trên địa bàn đã có phương án xử lý.

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc