Multimedia Đọc Báo in

Thượng thư Nguyễn Tường Vân với những kế sách ngoại giao, nội trị

08:50, 04/08/2024

Nguyễn Tường Vân (1774 - 1820) là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Tường, quê gốc xã Phúc Điền, tổng Hạ Bản, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa theo Chúa Nguyễn vào Nam định cư.

Ông làm quan trong triều đình nhà Nguyễn và chuyển ra sinh sống tại xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay là phường Cẩm Phô, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Sau khi qua đời, ông được an táng tại làng La Qua, tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, nay là thôn Xuân Tây, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam...

Nguyễn Tường Vân là Thượng thư Bộ Binh triều Nguyễn, tước Nhuận Trạch Hầu. Năm Bính Thìn (1796), cụ thi đỗ tam trường, được bổ chức Phủ Lễ sinh, sau đó thăng chức Nhập thị Thư viện, rồi thăng Chính dinh Trị bạ Tri Nội các. Thượng thư Nguyễn Tường Vân từng được xem là người học hành đỗ đạt đầu tiên ở đất Gia Định, là người khai nguyên một dòng họ khoa bảng và văn chương nổi tiếng - Nguyễn Tường ở Quảng Nam.

Mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân.

Trong cuộc đời làm quan của mình với lòng ưu dân ái quốc, cụ Nguyễn Tường Vân đã mạnh dạn tâu lên hai vị vua đầu tiên của triều Nguyễn những kế sách ngoại giao và nội trị, thể hiện tầm nhìn xa và trí tuệ mẫn tiệp của một kẻ sĩ.

Ngày 12 tháng 8 năm Gia Long thứ 8 (1809), Nguyễn Tường Vân có bản tấu 10 điều kế sách “nội trị”. Trước hết, đề đạt nhà vua những kế sách về “quảng khai ngôn lộ” (rộng mở đường ăn nói), “thận tu đức chính” (thận trọng tu sửa đức chính)... Đặc biệt trong kế sách “nội trị” của Thượng thư Nguyễn Tường Vân là tư tưởng thương dân, dưỡng dân. Ông nhắc vua Gia Long những lời dạy của cổ nhân: “Tồn tâm ư thiên hạ, gia chí ư cùng dân. Nhất dân cơ viết ngã cơ chi, nhất dân hàn viết ngã hàn chi”, “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, “Quốc dĩ vi dân bổn” (nghĩa là: Bảo tồn tâm đối với thiên hạ, gia tăng chí hướng đối với dân cùng khổ, một người dân đói thì nói là ta đói, một người dân rét thì nói là ta rét; Phải lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ; Nước lấy dân làm gốc).

Trong kế sách nội trị, Nguyễn Tường Vân còn đề đạt vị vua khai sáng triều Nguyễn một việc làm rất thiết thực cho dân, đó là lập kho thóc cứu mất mùa: “Nhân lúc được mùa, lập kho thường bình ở các địa phương xa xôi. Phép ấy thì vào lúc lúa gạo rẻ thì tăng giá lên, để làm lợi cho nhà nông, vào lúc lúa gạo đắt thì giảm giá để giúp dân”.

Ngày 20 tháng 7 năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Nguyễn Tường Vân đã có sớ tâu vua 6 điều gan ruột. Mượn xưa nói nay, ông khôn khéo “tranh thủ” nhà vua trẻ siêng năng việc triều chính và hay tham vấn các đại thần về các sự tích xưa để trị quốc an dân. Qua đó, ông xin nhà vua tha miễn tô thuế ruộng công và tha miễn tiền thuế dung mân cho dân ở 4 dinh trực lệ: Quảng Đức (tức Thừa Thiên), Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam - những nơi có nhiều đóng góp nhân lực, tài lực cho triều đình) nhằm “sung vào nuôi dưỡng dân để ứng tòng việc binh”.

Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Nguyễn Tường Vân được triệu về kinh để lo “quốc hiếu” (quốc tang của vua Gia Long) nhưng Tổng trấn Bắc Thành Lê Chất tâu xin lưu cụ ở lại 1 - 2 tháng để cùng Phó Tổng trấn Lê Văn Phong giải quyết công việc ở Bắc thành cho xong xuôi. Tháng 7 năm này, cụ lại được triệu hồi về kinh, thăng chức Thượng thư Bộ Binh, vẫn giữ chức Hành duyệt Tuyển sự ở Bắc Thành.

Điều đáng tiếc là giữ chức Bộ Binh Thượng thư chưa được bao lâu thì Thượng thư Nguyễn Tường Vân bị bệnh và qua đời vào ngày mồng 8 tháng 10 năm Minh Mạng nguyên niên (1820). Trước khi mất, cụ có tờ biểu tâu lên vua, trình bày những điều gan ruột về việc nội trị, ngoại giao: “… Đến như việc nước Xiêm La, nếu có lỗi nhỏ cũng bỏ qua mà cùng nhau làm đạo lớn, thì không những là báo hiếu Tiên đế dừng chân ở đấy mấy năm, mà cũng khỏi được mối lo trăm đời của năm kẻ bầy tôi lớn ở ngoài biên”.

Hiện nay, Thượng thư Nguyễn Tường Vân hiện đang được phụng thờ tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường (số 8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Hội An). Đây là ngôi nhà thờ cổ, khởi dựng năm 1806. Tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường này trưng bày nhiều di vật có giá trị, trong đó có các chiếu chỉ, sắc phong của cụ Nguyễn Tường Vân qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng.

Còn mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân hiện nay tọa lạc trên một gò đất cao, người dân địa phương thường gọi là Gò Lăng. Từ ngôi mộ nhìn ra cánh đồng thoáng rộng, xa xa là dòng sông Thu Bồn uốn khúc, mặt tiền quay theo hướng Đông Nam, cách dòng sông Thu Bồn khoảng 1,5 km, phía sau cách sông Vu Gia khoảng 5 km. Đây là một vị trí đắc địa, hội tụ những yếu tố tốt đẹp về phong thủy đã được chọn để làm nơi an táng của ông Nguyễn Tường Vân.

An Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.