Multimedia Đọc Báo in

Từ nhà tù Sơn La đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám

08:56, 28/08/2024

Di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La nằm trên đồi Khau Cả, thuộc phường Tô Hiệu, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La.

Do trải qua mấy lần bị giặc ném bom đánh phá, gây hư hỏng nặng nên hiện trạng của nhà tù bây giờ chủ yếu là được phục chế dựa trên những dấu tích cũ. Mặc dù vậy, khi tận mắt chứng kiến những khung cảnh, hiện vật như gông cùm, dụng cụ tra tấn tù nhân… được trưng bày tại nhà tù, nhất là hệ thống xà lim ngầm tăm tối, chúng ta cũng phần nào hình dung được cái gọi là “địa ngục trần gian” một thuở. Đặc biệt, cây đào nổi tiếng do đồng chí Tô Hiệu trồng sát bên tường nhà tù đã đi vào những trang sử, thơ ca vẫn xanh tươi, nở hoa vào mỗi dịp xuân về thật sự là hình ảnh sống động, tượng trưng cho ý chí ngoan cường của những chiến sĩ cộng sản trong chốn lao tù năm xưa.

Trước đây, Sơn La được xem là nơi “rừng thiêng nước độc”, với đủ loại bệnh tật nguy hiểm hoành hành nên thực dân Pháp đã cho xây dựng tại nơi đây một nhà tù khét tiếng để làm suy kiệt sinh lực và giết dần, giết mòn tù nhân. Năm 1908, nhà tù Sơn La có diện tích ban đầu là 500 m2, chủ yếu để giam tù thường phạm. Đến năm 1930, hoảng sợ trước phong trào đấu tranh giành độc lập của cách mạng Việt Nam ngày một dâng cao, Pháp đã mở rộng nhà tù Sơn La lên 2.170 m2.

Một góc nhà tù Sơn La hiện nay.

Khi mở rộng, tường bao quanh nhà tù được xây cùng với hệ thống nhà giam mới, gồm có 5 nhà giam chính, 3 chòi canh ở 3 góc nhà tù và 1 chòi canh trung tâm. Phía dưới chòi canh trung tâm là xưởng xay lúa, nhà kho, nhà bếp, nhà thuốc và bàn giấy. Đặc biệt, Pháp đã cho xây một hệ thống xà lim ngầm nằm sâu dưới lòng đất 3 m gồm 5 phòng giam cá nhân và 2 phòng giam tập thể ở hai đầu. Mỗi xà lim cá nhân chỉ có một lỗ thông hơi ở phía sát trần có gắn song sắt và lưới mắt sàng nhìn ra đường đi tuần. Khi cánh cửa sắt đóng lại thì mỗi xà lim biến thành một hộp kín, tù nhân phải nằm co và khó mà phân biệt được ngày hay đêm vì sự tối tăm luôn bao trùm. Để ngụy trang, che giấu hệ thống xà lim ngầm này, Pháp đã xây khu nhà bếp đun nấu bên trên.

Chính nơi “địa ngục trần gian” này, khí tiết của những chiến sĩ cộng sản đã tỏa sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc.

Với quy mô, kiến trúc như trên, thực dân Pháp đã biến nơi đây trở thành một “địa ngục trần gian” để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản Việt Nam. Lúc bấy giờ, nhà tù Sơn La được ví như “chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn”. Từ năm 1930 - 1945, thực dân Pháp đã đày lên nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1.007 lượt tù nhân.

Tuy nhiên, chính nơi “địa ngục trần gian” này, khí tiết của những chiến sĩ cộng sản đã tỏa sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc. Chi bộ Đảng nhà tù Sơn La được thành lập vào tháng 5/1940 mà đồng chí Tô Hiệu là Bí thư chi bộ đầu tiên đã trở thành nơi “ươm” những “hạt giống đỏ” ban đầu của phong trào cách mạng Sơn La.

Năm 1943, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến, phong trào cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi cần nhiều cán bộ có kinh nghiệm, có uy tín để lãnh đạo. Vì vậy, sau một thời gian chuẩn bị hết sức công phu, Chi bộ Đảng nhà tù Sơn La đã tổ chức cho 4 đồng chí: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu, Sao Đỏ vượt ngục thành công, bổ sung vào đội ngũ lãnh đạo cách mạng lúc bấy giờ.

Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng sát bên tường nhà tù Sơn La.

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tù nhân chính trị chớp thời cơ nổi dậy, giải phóng nhà tù Sơn La. Từ đây đã cung cấp đội ngũ cán bộ lãnh đạo cách mạng Việt Nam trên mọi lĩnh vực mà trước hết là lãnh đạo thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Trong đó, có nhiều chiến sĩ cộng sản ưu tú, trung kiên của Đảng như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Song Hào, Trần Đào, Hoàng Thao, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ, Trần Quốc Hoàn, Đỗ Nhuận, Hoàng Công Khanh…

Trong 1.007 lượt tù nhân bị giam cầm tại nhà tù Sơn La, hiện Bảo tàng Sơn La đã sưu tầm và lưu giữ 250 hồ sơ gốc của tù nhân; danh sách 61 liệt sĩ, 870 tù nhân và 180 người đã được rèn luyện, thử thách ở nhà tù, sau này giữ các chức vụ cao của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành. Di tích nhà tù Sơn La hiện là một “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ, hằng năm đón tiếp hàng chục nghìn lượt khách là học sinh, sinh viên, nhân dân trong cả nước và khách quốc tế tới thăm.

Mạnh Phong


Ý kiến bạn đọc