Vực dậy các tiềm năng, nguồn lực, thúc đẩy Đắk Lắk phát triển
Với mục tiêu thúc đẩy tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, mới đây, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ những điểm yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Gỡ "nút thắt” hạ tầng giao thông
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều khẳng định tỉnh Đắk Lắk có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, là trung tâm vùng Tây Nguyên, với rất nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, cây trồng, lực lượng lao động, sự đa dạng về văn hóa, địa danh, di tích lịch sử, văn hóa… để phát triển toàn diện.
Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, giá trị gia tăng của hàng hóa, nông sản còn thấp, thu ngân sách không đạt kế hoạch đề ra, xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Du lịch của tỉnh còn nghèo nàn cả về dịch vụ lưu trú và điểm đến. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp, chỉ chiếm 49%, trong khi tỷ lệ này của vùng Tây Nguyên là 61,5% và của cả nước là 78%. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh theo chuẩn đa chiều rất cao, chiếm 15,95%, dù cả nước chỉ còn 5,71% và vùng Tây Nguyên là 12,46%.
Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. |
Cùng chung đánh giá “những chỉ số cần cao thì tỉnh Đắk Lắk đạt thấp, những tỷ lệ cần thấp thì Đắk Lắk vẫn cao”, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, nguyên nhân chính của thực trạng trên là “nút thắt” từ giao thông. Tỉnh Đắk Lắk hiện chỉ có hai phương thức di chuyển, giao thương hàng hóa chủ yếu là đường bộ và đường hàng không. Hạ tầng giao thông của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa thể kết nối liên vùng. Chính vì vậy, chi phí, thời gian vận chuyển nhiều, ảnh hưởng đến “đầu vào”, “đầu ra” của hàng hóa. Cũng vì hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn làm tăng chi phí nên các nhà đầu tư e ngại khi đến với tỉnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến các khu, cụm công nghiệp của tỉnh chưa đạt tỷ lệ lấp đầy 100% và hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Phát triển du lịch của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng…
Tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư các tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên với các vùng khác trong giai đoạn 2025 - 2030 theo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1/9/2021. Trong đó, xác định tiến trình đầu tư trước năm 2030 đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây bao gồm: Tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dài 160 km, quy mô 6 làn xe và Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) dài 105 km, quy mô 6 làn xe.
Chính phủ đồng thuận với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Đắk Lắk về phát triển hệ thống giao thông kết nối. Các bộ, ngành chức năng và các địa phương chủ động phối hợp, tập trung nguồn lực với nguồn vốn đa dạng để đầu tư, hoàn thành 1.900 km cao tốc cho khu vực Tây Nguyên trong những năm tới, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch để có thể làm sớm hơn so với dự kiến”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
|
Cùng với đó, để phát huy tối đa hiệu quả của Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang triển khai, tỉnh Đắk Lắk đề xuất Trung ương đầu tư tuyến đường giao thông kết nối điểm cuối đường cao tốc này với đại lộ Đông Tây (TP. Buôn Ma Thuột) chiều dài hơn 5 km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng.
Cần động thái mạnh mẽ để khai thác hiệu quả nguồn lực
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh còn khiêm tốn so với cả nước trong khi tiềm năng của tỉnh Đắk Lắk rất lớn, vì vậy, tỉnh cần tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Để tạo động lực cho tỉnh, Bộ Công Thương sẽ tham mưu xây dựng các đường dây một chiều siêu cao áp chuyển năng lượng tái tạo từ khu vực miền Trung, Tây Nguyên vào miền Nam, ra miền Bắc. Tỉnh cũng cần nhanh chóng khắc phục những điểm hạn chế của 3 dự án điện gió đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhằm triển khai hiệu quả quy hoạch điện VIII của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, du lịch nghỉ dưỡng kết nối ra biển qua cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, quy hoạch thêm sân golf, khách sạn phục vụ du khách.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, tỉnh cần phát huy tối đa tiềm năng về đất đai. Với 44 công ty nông - lâm nghiệp, trong đó có 7 công ty đã giải thể, còn lại 37 công ty. Diện tích đất của 7 công ty trả lại khoảng 42.500 ha, đây là nguồn lực rất quan trọng. Với 246.000 ha còn lại của 37 nông - lâm trường, Đắk Lắk cần quan tâm thực hiện tốt việc sắp xếp, quản lý nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, giải quyết những vấn đề liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn huyện Ea Kar. |
Đối với bài toán giảm nghèo bền vững, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi và Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr nêu quan điểm, tỉnh Đắk Lắk quan tâm hơn đến việc tạo sinh kế cho người dân, chú trọng công tác giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, từ đó nâng cao năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc