Multimedia Đọc Báo in

“Đòn bẩy” từ những nghị quyết đúng, trúng (kỳ 2)

08:03, 17/09/2024

Kỳ 2: Đổi mới tư duy để thoát nghèo

Những chủ trương, quyết sách đúng, giải pháp triển khai, huy động nguồn lực phù hợp và sự quyết tâm, đồng lòng đưa nghị quyết vào cuộc sống đã đem lại những “quả ngọt”. Sâu bền hơn đó là sự chuyển biến, từng bước thay đổi tư duy của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn để tìm cách thoát nghèo.

Những vùng đất hoang hóa, khô cằn; những thôn, buôn, trường học còn nhiều cái thiếu trước kia đã và đang khoác trên mình một diện mạo mới từ những nghị quyết sát thực.

“Vườn cây Nghị quyết 07”

Sau 3 năm tham gia mô hình tái canh cà phê, gia đình anh K Nich (dân tộc Kơ Ho) ở buôn Dur 1, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) đã xây dựng được một vườn cây xanh tốt, canh tác bài bản, khoa học. Anh K Nich gọi đây là “Vườn cây Nghị quyết 07” vì từ 600 cây cà phê và 45 cây sầu riêng giống được hỗ trợ theo Nghị quyết 07 của Huyện ủy Krông Ana mà gia đình anh đã gây dựng nên mô hình này.

Anh K Nich (thứ hai từ phải sang) ở buôn Dur 1, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình tái canh cà phê từ nguồn hỗ trợ của Nghị quyết 07.

Kể về quá trình xây dựng “Vườn cây Nghị quyết 07”, anh K Nich cho hay, khi được cán bộ Phòng Dân tộc huyện, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận xã Dur Kmăl đến trao đổi về việc hỗ trợ để xây dựng mô hình, anh đã thông tỏ nhiều điều. Ấy là bản thân mình là bí thư chi bộ, trưởng buôn mà làm không hay, không giỏi thì nói sao dân nghe, dân theo. Xác định trách nhiệm nêu gương, anh K Nich đã dành nhiều tâm sức để xây dựng mô hình này. Sau khi tham dự các lớp tập huấn, anh K Nich chặt bỏ hết số cà phê già cỗi, xử lý đất theo quy trình rồi mới xuống giống cây được cấp. Để tăng sức đề kháng sâu bệnh và nâng cao năng suất cây trồng, anh đã đi học hỏi kinh nghiệm ở tỉnh Lâm Đồng và mua thêm giống về ghép. Cứ 1 sào cà phê, gia đình anh trồng xen 9 cây sầu riêng. Ngoài 6 sào cà phê tái canh theo mô hình, gia đình anh tự đầu tư cải tạo dần 1,4 ha còn lại theo quy trình được hướng dẫn để trồng cà phê xen tiêu, sầu riêng, bơ.

Đến nay, “Vườn cây Nghị quyết 07” của gia đình anh K Nich đã cho thu bói được 2,6 tấn cà phê tươi và khoảng 170 kg sầu riêng. Với vai trò là tổ trưởng của mô hình tái canh cà phê, anh K Nich còn đồng hành, hướng dẫn 4 thành viên trong tổ cùng cải tạo vườn cà phê trồng xen theo hướng bền vững. Mô hình của gia đình anh đã trở thành mô hình mẫu cho bà con trong và ngoài xã tham quan, học tập, nhân rộng.

 

““Đòn bẩy” từ Nghị quyết 05 cũng đã góp phần ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Lắk giảm từ 29,11% năm 2021 xuống còn 20,95% cuối năm 2023, đưa Lắk ra khỏi danh sách huyện nghèo (30a) của cả nước, giai đoạn 2020 - 2025” - Bí thư Huyện ủy Lắk Nguyễn Văn Long.

Phó Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl Y Toan Hmok cho biết, những mô hình được hỗ trợ theo Nghị quyết 07 trên địa bàn xã đến nay đã cho hiệu quả bước đầu, đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Quan trọng hơn, Nghị quyết 07 đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân các buôn trong phát triển kinh tế gia đình, từ chỗ thụ động, không tìm tòi áp dụng khoa học kỹ thuật đã chủ động phát triển đa cây, đa con và tự tạo việc làm cho mình.

Không chỉ tại xã Dur Kmăl, Nghị quyết 07 đã lan tỏa và đem lại “quả ngọt” cho nhiều thôn, buôn thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Krông Ana. Hơn 20 nghìn cây giống các loại cùng phân bón, nhiều thiết bị, máy móc đã được hỗ trợ cho bà con thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp, phi nông nghiệp. Qua 4 năm thực hiện nghị quyết, đã có 156 hộ dân tộc thiểu số của huyện thoát nghèo.

Đổi đời khi đổi cây trồng

Krông Nô là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lắk, cách trung tâm huyện khoảng 45 km. Toàn xã có 13 buôn với khoảng 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Bao lâu nay, bà con chỉ quen lối canh tác cũ, sợ thay đổi, ngại tiếp cận cái mới, nhất là khoa học kỹ thuật. Trước đây, người dân của xã chủ yếu trồng một loại cây cà phê, ca cao hoặc ngô, lúa. Sau khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo Nghị quyết 05, màu xanh của các loại cây ăn quả đã phủ kín vườn tược, nương rẫy của người dân. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Krông Nô Y Nhang Hdu nói rằng, rất nhiều hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã đổi đời khi mạnh dạn đổi cây trồng và đã được “nếm vị ngọt” của vụ thu hoạch đầu tiên.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Krông Nô (huyện Lắk) tìm hiểu mô hình chuyển đổi trồng cây sầu riêng trên vùng đất khó của gia đình anh Y Tươi Buôn Jrang ở buôn R Cai A.

Vượt qua quãng đường gập ghềnh, lầy lội do bị sạt lở sau những trận mưa kéo dài, đến nhà anh Y Tươi Buôn Jrang ở buôn R Cai A, màu xanh của rẫy cà phê trồng xen sầu riêng hút vào tầm mắt. Hơn 20 năm trồng cà phê, anh Y Tươi chưa từng có ý định trồng xen thêm loại cây nào khác vì không quen cách làm này và cũng không có vốn đầu tư. Nhưng suy nghĩ đó đã dần thay đổi từ khi anh tham dự các lớp tập huấn chuyển đổi cây trồng, được hỗ trợ cây sầu riêng giống và được “cầm tay chỉ việc” ngay tại vườn. Trong 1,3 ha cà phê của gia đình, anh Y Tươi đã trồng xen 80 cây sầu riêng. Năm 2024, sầu riêng đã cho thu bói được gần 1 tấn, bán với giá 70.000 đồng/kg. Anh Y Tươi phấn khởi lắm vì chỉ cần 1 quả sầu riêng là đã mua được cả chục ký gạo.

Nhận thấy cây sầu riêng phù hợp với vùng đất này, anh Y Tươi còn mạnh dạn cải tạo lại khu đất rẫy lâu nay gia đình bỏ không để trồng sầu riêng. Để hạn chế tình trạng ngập úng do đặc tính giữ nước của loại đất thịt vào mùa mưa, anh đã đào rãnh thoát nước dọc theo hàng sầu riêng. Bên cạnh đó, anh Y Tươi cũng lắp đặt hệ thống tưới tự động nhằm tiết kiệm và bảo đảm nước tưới cho cây trồng vào mùa khô. Đến nay, gia đình anh đã trồng được 300 cây sầu riêng. Vườn sầu riêng ngày càng xanh tốt cũng nhân lên niềm hy vọng đổi đời cho gia đình anh. Cùng với gia đình anh Y Tươi, toàn xã Krông Nô còn có 1.322 hộ thuộc 13 buôn đã được hỗ trợ trên 16.810 cây giống các loại để thực hiện chuyển đổi cây trồng hoặc trồng xen trong vườn cà phê.

Là hộ đầu tiên đưa cây sầu riêng về trồng tại buôn Lách Dơng, với 4,5 ha, hiện nay trung bình mỗi năm gia đình bà Lâm Thị Phong có nguồn thu ổn định khoảng 5 tỷ đồng. Đồng thuận với chủ trương chuyển đổi cây trồng và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, giúp nông dân thoát nghèo, năm 2022, gia đình bà Phong đã vận động, thành lập Hợp tác xã Sầu riêng Thông Phong với 10 thành viên, diện tích khoảng 40 ha.

Bà Phong bày tỏ rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về cây sầu riêng và làm sao để giúp bà con các buôn đồng bào dân tộc thiểu số đổi mới tư duy làm kinh tế. Để không lãng phí nguồn cây giống đã được hỗ trợ theo nghị quyết, vợ chồng bà và các thành viên của hợp tác xã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, đồng hành tại vườn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

Với suy nghĩ và cách làm ấy, từ năm 2021 đến nay, gia đình bà đã giúp 100 hộ trên địa bàn xã phát triển cây sầu riêng. Nhận định đến năm 2025, nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn xã cho thu hoạch. Hợp tác xã đang có hướng phát triển thêm thành viên để cùng hỗ trợ nhau làm hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, hướng dẫn bà con sản xuất theo tiêu chuẩn quy định nhằm đưa sầu riêng ở vùng đất khó Krông Nô có cơ hội xuất khẩu.

Qua gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 05, huyện Lắk đã vận động, trao tặng người dân các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện hơn 320 nghìn cây giống các loại với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng. Nghị quyết 05 đã thay đổi tư duy làm kinh tế hộ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, phủ xanh hàng trăm héc ta đất trống, bỏ hoang, vườn tạp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.

(còn nữa)

Kỳ cuối: "Khơi" nguồn nội lực từ sức dân

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.