Những “hạt nhân” đoàn kết của buôn làng
Với bề dày kinh nghiệm, uy tín trong cộng đồng, các già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện Lắk được xem là điểm tựa, là “hạt nhân” đoàn kết của buôn làng…
Già Y Nui Adrơng (78 tuổi, tên thường gọi Ama Lan, dân tộc Êđê), gần 30 năm qua luôn là người được đồng bào buôn Dhăm 1, xã Đắk Nuê tin tưởng. Già Y Nui chia sẻ, muốn bà con tin và làm theo thì trước tiên mình phải là người gương mẫu, đi đầu trong các công việc, từ lo làm ăn phát triển kinh tế đến giáo dục con cháu trong gia đình chịu khó học hỏi nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, chống các tệ nạn xã hội, xóa bỏ các tập tục lạc hậu.
Có thời gian làm chủ nhiệm hợp tác xã nên già Y Nui khá am hiểu các kiến thức về nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, tập quán canh tác của bà con. Từ đó, hướng dẫn mọi người trong buôn cách nuôi trồng, chăm sóc mùa màng với mong muốn ai cũng có của ăn của để, phát triển kinh tế. Ở tuổi 78, già vẫn chăm chỉ canh tác 5 sào lúa, 2 sào ca cao, chăn nuôi thêm bò, heo, gà…
Ở tuổi 78, già làng Y Nui Adrơng vẫn tích cực lao động sản xuất. |
Không chỉ cần cù trong lao động sản xuất, già làng Y Nui cùng gia đình luôn đi đầu hưởng các phong trào tại địa phương. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã tự nguyện hiến 300 m2 đất cùng cây trồng trên đất để xây dựng đường giao thông nông thôn trong buôn sạch đẹp, an toàn.
“Những người có uy tín không chỉ là điển hình trong phát triển kinh tế mà còn lực lượng nòng cốt, là “cầu nối” quan trọng của cấp ủy, chính quyền trong việc vận động, tuyên truyền người dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc"- Ông Phạm Văn Bằng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Lắk. |
Chị H’Wil Kmăn (SN 1977, trú buôn Dhăm 1) nhận xét: “Già Y Nui nhiệt tình với bà con lắm. Hầu như ngày nào, già cũng tới thăm hỏi các gia đình trong buôn. Già thường tuyên truyền mọi người phải đoàn kết, không được nghe lời kẻ xấu, mà phải cố gắng làm ăn. Mỗi khi trong buôn có mâu thuẫn, xích mích gì thì già Y Nui có mặt ngay để giải thích cho mọi người cái đúng, cái sai để giảng hòa. Chính vì vậy mọi người trong buôn ai cũng quý mến và tin tưởng, nghe theo”.
Già làng Y Năm Lưk (SN 1960, dân tộc M’nông, ở buôn Dren A, xã Đắk Liêng) cũng luôn được người dân yêu quý và tin tưởng bởi tính quả quyết, gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương. Theo ông, để người dân trong buôn tin thì mình phải là người nói được và làm được. Bản thân phải siêng năng, chịu khó trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Người dân nhìn thấy gia đình mình khá giả thì họ mới tin và nghe theo.
"Khi vừa lập gia đình, vợ chồng tôi đã vay 5 triệu đồng để mua bò về chăn nuôi. Vừa làm, vừa tiết kiệm, khi trả hết nợ cũ, chúng tôi lại vay tiếp số tiền lớn hơn để đầu tư mua rẫy trồng cà phê, mua thêm bò, heo về chăn nuôi để phát triển kinh tế. Giờ đây với 4 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, cộng với đàn bò, heo… mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 300 triệu đồng”, già làng Y Năm Lưk chia sẻ.
Được bà con trong buôn tín nhiệm bầu làm già làng, ông Y Năm Lưk thường xuyên tới tuyên truyền, vận động cũng như chia sẻ những kinh nghiệm làm kinh tế từ chính gia đình mình tới người dân trong buôn.
Bên cạnh đó, ông thường xuyên nắm bắt những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong buôn để gặp gỡ các bên vận động, hòa giải để giải quyết dứt điểm mâu thuẫn ngay từ cơ sở. Đồng thời, vận động người dân tích cực gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống, loại bỏ những hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng.
Bên cạnh đó, ông tích cực tìm hiểu, cập nhật các kiến thức pháp luật để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Già làng Y Năm Lưk (bìa trái) trao đổi kinh nghiệm về tuyên truyền, vận động người dân. |
Đơn cử như mới đây, khi biết tin có một gia đình trong buôn chuẩn bị làm đám cưới cho con (nhưng chưa đến tuổi kết hôn), ông đã đến tận nhà giải thích, phân tích cặn kẽ cho người dân hiểu rằng tảo hôn là việc làm không đúng, gây ra nhiều hệ lụy và sẽ bị phạt nặng. Sau khi được già Y Năm giải thích, hiểu về những quy định pháp luật, gia đình này đã hoãn lại việc tổ chức đám cưới.
Già Y Năm Lưk tự hào: “Trước đây, toàn buôn có 193 hộ thì đã có tới 121 hộ nghèo, cận nghèo, giờ đây giảm chỉ còn 28 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo; trong buôn không xảy ra tình trạng mất cắp, gây mất trật tự công cộng hay đánh nhau; các sự việc xích mích, mâu thuẫn đều được giải quyết, không có sự việc nào phải lên xã, tới huyện…”.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc