Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị: Khai phá nguồn lực từ “dám nghĩ, dám làm” (kỳ 2)

08:15, 06/09/2024

Kỳ 2: “Vượt rào” đồng hành cùng cao tốc

Để phát huy tối đa hiệu quả, lợi thế từ nguồn lực tiềm năng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực “xắn tay áo” bằng những việc làm cụ thể. Trong số đó không phải không có những cú “vượt rào”, cách làm mới mẻ, táo bạo, hướng đến mục tiêu lớn nhất là vì cái lợi của dân, lợi ích chung của xã hội, đất nước.

Điều này được thể hiện sống động trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 mà huyện Krông Bông là minh chứng điển hình.

Chuyện từ Cư Dhiắt

Ngày 18/6/2023, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chính thức được khởi công. Vị trí được chọn để tổ chức lễ khởi công là tại thôn Cư Dhiắt (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông). Trước đó hơn một tuần, địa phương mới nhận được thông tin về việc chọn Cư Dhiắt là địa điểm tổ chức buổi lễ quan trọng này.

Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, bởi đây là dự án trọng điểm quốc gia, lễ khởi công có sự tham dự của đại biểu Trung ương và tỉnh bạn. Trong khi đó, tuy là khu vực nằm trong diện thu hồi GPMB, nhưng lúc này chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ mà chỉ mới thực hiện kiểm đếm.

Huyện Krông Bông đã tức tốc làm việc với dân giao mặt bằng trước và địa phương cam kết sẽ sớm hỗ trợ cho người dân. Chỉ trong vòng mấy ngày, 6 hộ người Mông ở đây đã bàn giao 4 ha để phục vụ lễ khởi công dự án.

Cán bộ huyện Krông Bông đến tận nhà để vận động người dân ở thôn Cư Dhiắt (xã Cư Drăm) bàn giao mặt bằng phục vụ Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng đó là kết quả của một quá trình “nếm mật nằm gai” của cán bộ địa phương. Chủ tịch UBND xã Cư Drăm Trịnh Văn Hùng cho biết, ngay khi có chủ trương Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ đi qua địa bàn, xác định công tác GPMB là một trong những khâu quan trọng của dự án, Đảng ủy xã đã tổ chức họp, quyết định “biệt phái” một đồng chí Phó Chủ tịch UBND phụ trách nông – lâm nghiệp của xã về làm Bí thư Chi bộ thôn Cư Dhiắt.

Với sự sâu sát của cán bộ “biệt phái”, sự vào cuộc quyết liệt và giải quyết hợp tình, hợp lý của đảng ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân liên quan đã lần lượt bàn giao đất để thi công dự án đúng tiến độ đề ra mà địa phương không phải sử dụng biện pháp cưỡng chế nào.

 

"Trong điều kiện đội ngũ cán bộ còn thiếu, địa bàn thôn Cư Dhiắt cách trung tâm xã đến hơn 23 km, nhưng ròng rã 6 tháng trời, hệ thống chính trị của xã đã phải dành hơn một nửa thời gian làm công tác dân vận để thực hiện GPMB phục vụ Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột” - ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm.

Tháng 8/2024, tuyến cao tốc đầu tiên nối Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ đoạn qua xã Cư Drăm đã dần hình thành. 13 hộ dân thuộc diện di dời cuối cùng tại thôn Cư Dhiắt ở vị trí nút giao giữa cao tốc và đường Đông Trường Sơn cũng đã chuyển đến chỗ ở mới. Thế nhưng nhiệm vụ của địa phương chưa dừng lại ở đó, khi mà việc ổn định cuộc sống cho những hộ dân bị ảnh hưởng còn ngổn ngang trước mắt.

Những hộ dân này không thuộc diện tái định cư vì sinh sống trên đất lâm nghiệp. Huyện Krông Bông đã tìm giải pháp hợp lý nhất để người dân an cư trên tinh thần chia sẻ khó khăn với bà con.

Khu “tái định cư” này rộng 6 sào ở vị trí cao ráo, bằng phẳng, cách vị trí cũ không xa, vốn được dự kiến sẽ sử dụng để xây nhà văn hóa thôn, nay nhường lại cho những hộ thuộc diện phải di dời. Địa phương huy động nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ san ủi đường, lu nền. Việc khó nhất là kéo đường điện cho dân bởi không thể dùng ngân sách nhà nước để thực hiện.

Địa phương làm việc với ngành điện để xin trụ đã thanh lý nhưng còn tốt. Cột điện đã được chở đến hiện trường chôn xuống, nhưng dây điện thì không thể tận dụng vì liên quan đến an toàn và tiêu chuẩn kỹ thuật. Sau khi tiến hành bàn bạc, huyện Krông Bông quyết định trích 200 triệu đồng từ nguồn của Chương trình số 04 – CTr/HU, ngày 22/12/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông về “Tiết kiệm làm theo lời Bác, hỗ trợ các đối tượng đặc biệt khó khăn” mua dây điện mới đưa ánh sáng về cho người dân.

Có thể thấy, trong quá trình thực hiện GPMB đường cao tốc, huyện Krông Bông luôn bám theo tinh thần “Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” như lời Bác Hồ căn dặn. “Trong lúc tuyên truyền, hộ nào đồng ý với phương án hỗ trợ thì chi trả ngay, có khi cán bộ phải bỏ tiền túi ra để bảo đảm tiến độ. Địa phương cũng không chờ tiến hành xác định thời gian người dân lấn chiếm đất mà tiến hành hỗ trợ theo hướng có lợi nhất cho bà con”, ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông chia sẻ.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua tỉnh Đắk Lắk đang dần hình thành, bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

Những việc làm chưa có tiền lệ

Dự án thành phần 2 của cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn huyện Krông Bông có tổng chiều dài khoảng 16,2 km, thuộc địa bàn các xã Cư Drăm (5,2 km) và Cư Pui (11 km). Diện tích mặt bằng phải bàn giao cho dự án gần 170 ha (xã Cư Pui hơn 120 ha, Cư Drăm gần 50 ha). Trong số diện tích này có 75,2 ha đất có rừng, gần 95 ha đất không có rừng thuộc phần bị lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Đối với địa phương, đây là lần đầu tiên phải thực hiện GPMB công trình liên quan đến thu hồi rừng tự nhiên. Huyện rất lo lắng vì đây là nhiệm vụ rất nặng nề, mất nhiều thời gian. Đặc biệt, GPMB liên quan đất rừng trải qua quy trình thủ tục phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành, mất nhiều thời gian.

"Là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Đắk Lắk, Krông Bông xác định việc các dự án hạ tầng giao thông được triển khai và sớm đưa vào sử dụng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Do đó, cả hệ thống chính trị của huyện luôn nhận thức và nỗ lực đồng hành để các dự án được triển khai một cách thuận lợi nhất” - ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông.

Cụ thể, cơ quan chức năng phải tiến hành đưa ra khỏi quy hoạch ba loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng, tổ chức đấu giá lâm sản trên đất rừng thu hồi.

Huyện đã bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất trong tập thể lãnh đạo chọn giải pháp tốt nhất với tinh thần thực hiện thật nhanh công tác GPMB nhưng cũng phải bảo đảm quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản, lâm sản. Nhận thấy phương án bán cây đứng (làm thủ tục xong rồi cho đấu giá, người trúng đấu giá tự khai thác) có lợi hơn bán cây nằm (khai thác xong rừng mới bán lâm sản), địa phương đề xuất tỉnh đồng ý chọn cách thứ nhất.

Làm theo hình thức này sẽ không phải bảo quản lâm sản và hạn chế thất thoát tài sản. Tuy nhiên, địa phương rất khó khăn mới tìm được đơn vị tư vấn định giá thực hiện một cách khách quan, minh bạch. Với 7.900 m3 lâm sản được định giá khởi điểm (có sự thẩm định của Sở Tài chính) là 5,6 tỷ đồng, được xem là mức giá có lợi cho Nhà nước.

Quá trình đấu giá, huyện thành lập tổ công tác liên ngành gồm công an, tư pháp, tài chính, quỹ đất, chính quyền địa phương để giám sát một cách chặt chẽ. Lâm sản được đấu giá thành công với số tiền 7,5 tỷ đồng. Sau đó, huyện tổ chức giám sát để không khai thác ra ngoài phạm vi và ràng buộc phía trúng đấu giá phải khai thác xong trong vòng 20 ngày, vị trí nào cần thi công trước thì khai thác trước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Pháp, trong quá trình thực hiện, địa phương nghiên cứu kỹ các văn bản quy định, áp dụng linh hoạt trong thực tế và làm cùng lúc nhiều việc, đôi lúc phải chấp nhận “vượt rào”. Chẳng hạn, trong khi chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt một thủ tục nào đó thì địa phương đã chuẩn bị trước bước tiếp theo để khi được phê duyệt thì bắt tay vào làm luôn.

Ví dụ như trong khi chờ đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì trước đó, địa phương đã thuê đơn vị tư vấn đo đạc, kiểm đếm, đánh giá trữ lượng, chất lượng rừng hơn 18.600 cây, song song đó là lựa chọn đơn vị định giá, xong xuôi các thủ tục thì cho đấu thầu ngay. Với cách làm tiết kiệm được rất nhiều thời gian này, trong vòng một năm, huyện Krông Bông đã cơ bản hoàn thành một khối lượng công việc “khổng lồ”, nhiều khó khăn để bàn giao mặt bằng cho công trình.

   (Còn nữa)

Kỳ 3: Tạo sự đột phá bằng tư duy mới

Cao Minh Giang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.