Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng trong bảo vệ di sản văn hóa

18:10, 23/10/2024

Chiều 23/10, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội xem xét, đánh giá tờ trình, báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); xem xét báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này. 

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hóa. Cùng với đó, chỉnh lý, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, UBTVQH đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương… 

 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), góp ý về những vấn đề chung của dự thảo luật, đại biểu cho rằng, dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các văn bản quy phạm pháp luật, nên giữ được sự ổn định cho hoạt động bảo vệ phát huy các giá trị di sản của văn hóa.

Dự thảo luật cũng quy định những vấn đề mới về bộ máy quản lý di tích, di sản, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa, hợp tác công tư… đồng thời, thể chế hóa những nội dung cơ bản trong các công ước quốc tế về di sản văn hóa mà Việt Nam tham gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, thời gian vừa qua, các quy định hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa vẫn còn thiếu, chưa cụ thể ở một số lĩnh vực như: điều kiện thành lập bảo tàng, định mức chi trong hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực di sản văn hóa, định mức kiểm kê di sản, định mức xây dựng hồ sơ di tích, hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, định mức thuê chuyên gia, nghệ nhân tham gia nghiên cứu và biểu diễn…

Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi, truyền dạy cũng còn hạn chế; còn khó khăn trong xử lý giữa bảo tồn và nhu cầu phát triển du lịch; chưa có cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể…

Những hạn chế trên đã làm cho các địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý và hoạt động chuyên môn. Do đó, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra quan tâm bổ sung trong dự thảo luật; đồng thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định hướng dẫn ngay sau khi luật được thông qua, nhằm giúp cho hoạt động quản lý và hoạt động chuyên môn kịp thời đáp ứng các yêu cầu xây dựng văn hóa trở thành nền tảng để phát triển kinh tế, phát triển con người và xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Góp ý cụ thể vào một số nội dung của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã đưa ra các khái niệm cụ thể về di sản văn hóa phi vật thể và vật thể. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bao quát, đề nghị làm rõ khái niệm “di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền”; nguy cơ mai một cần được quy định cụ thể hơn, chẳng hạn như số lượng nghệ nhân giảm mạnh, không gian văn hóa liên quan bị xâm phạm hoặc biến mất… để tạo cơ sở vững chắc cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.

Về quyền và trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đại biểu đề nghị cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng; đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nơi có nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Cộng đồng cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực bảo vệ di sản. 

Về trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ di sản văn hóa, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước về quản lý nguồn lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ di sản. Theo đó, cần có quy định rõ ràng về việc phân bổ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội từ các tổ chức phi chính phủ, tư nhân và cộng đồng để tăng cường nguồn lực cho công tác này.

Đồng thời, về cơ chế bảo vệ di sản văn hóa quốc tế, dự Luật cần quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp với cộng đồng, chủ thể để lập hồ sơ khoa học; ngoài ra cần có cơ chế hợp tác với các tổ chức quốc tế để bảo vệ và phát huy các di sản đã được ghi danh.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Về vấn đề sửa chữa, bảo tồn, xây dựng mới trong Khu di tích lịch sử cấp quốc gia, đại biểu cho rằng, cần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các di tích nằm trong khu quy hoạch vì việc sửa chữa, cơi nới phải qua rất nhiều khâu và gặp nhiều khó khăn, thậm chí không sửa chữa được. Vì vậy, đại biểu đề nghị dù luật không quy định nhưng Nghị định của Chính phủ cần quy định rõ ràng, rành mạch nội dung này, qua đó giúp người dân có thể thuận tiện trong các thủ tục sửa chữa, cơi nới…

Quan tâm và ủng hộ việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu cho rằng, để Quỹ này hoạt động hiệu quả, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho Quỹ, nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động của Quỹ.

Bên cạnh đó, quá trình quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ cần đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ; Quỹ cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các chuyên gia trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo, bảo đảm tối đa các giá trị gốc của di tích.

Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất mở rộng thẩm quyền thành lập Quỹ cho các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, nhằm tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa...

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Thư ngỏ vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vừa có Thư ngỏ vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Đắk Lắk hưởng ứng Tháng cao điểm "Vì người nghèo" từ ngày 17/10 đến 18/11/2024.