Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV: Đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo
Sáng 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đa số đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật. Các ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, nhất là Nghị quyết 25 và Kết luận số 91 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng thời các đại biểu cũng đề cập đến nhiều vấn đề sâu sắc từ thực tiễn nhằm hoàn thiện, xây dựng một đạo luật chuyên ngành cụ thể hóa đầy đủ, đúng mức sự quan tâm của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong phát triển đất nước, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan…
Góp ý cụ thể về chính sách của Nhà nước xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, đại biểu cho biết theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến năm học 2022 - 2023 cả nước vẫn còn thiếu hơn 100.000 giáo viên đối với cấp học phổ thông và theo dự báo của Tổng cục Thống kê đến năm 2045 thì dự báo đến năm 2030 thì cả nước cần bổ sung thêm hơn 358.000 giáo viên.
Do vậy, đại biểu cho rằng Luật Nhà giáo cần có những chính sách để đảm bảo về số lượng nhà giáo. Về chất lượng đội ngũ nhà giáo, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có thể hiện rõ hơn các chính sách để đảm bảo Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng của nhà giáo.
Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Liên quan đến chính sách tiền lương cho nhà giáo tại Điều 27, đại biểu cho rằng quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Đại biểu nhấn mạnh, việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở vùng ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này.
Đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Đối với chính sách thu hút nhà giáo, đại biểu cho rằng quy định của dự thảo luật chưa có tiêu chí cụ thể để thu hút người có trình độ cao, người có tài năng làm nhà giáo. Do đó, đại biểu đề nghị xây dựng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đặc biệt để đào tạo người có trình độ cao trở thành nhà giáo. Tăng mức phụ cấp thu hút lên gấp hai lần lương cơ bản đối nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian đầu.
Về chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc, đại biểu cho rằng, chính sách nghỉ hưu sớm không bị trừ tỷ lệ lương hưu chỉ áp dụng cho một số đối tượng có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong đội ngũ nhà giáo. Quy định về kéo dài thời gian làm việc, mà chưa xem xét đầy đủ nhu cầu và nguyện vọng của nhà giáo ở các bậc học khác nhau ngoài đại học. Từ đó một số nhà giáo giỏi không có cơ hội cống hiến thêm, trong khi đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị tốt.
Đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu, bao gồm nhà giáo ở tất cả các bậc học và vùng khó khăn. Xem xét kéo dài thời gian làm việc không chỉ cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, mà còn cho những nhà giáo có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giảng dạy.
Đối với vấn đề dạy thêm – học thêm, theo đại biểu cần nhìn nhận một cách thấu đáo để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển.
Do đó, đại biểu nhận thấy, nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống. Đại biểu đề nghị, trong dự án Luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm - học thêm…
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về chính sách hỗ trợ nhà ở công vụ để thu hút đội ngũ nhà giáo; chức danh nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; việc đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng; chính sách điều động, thuyên chuyển; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; việc thu hút người giỏi, tạo nguồn đào tạo giáo viên, giảng viên; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo trong đào tạo, bồi dưỡng định kỳ và bồi dưỡng thường xuyên; vấn đề về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước và các cơ sở giáo dục trong việc đảm bảo kinh phí đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo.
Ngoài ra, các nội dung về đánh giá nhà giáo; khen thưởng, tôn vinh nhà giáo; hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; trách nhiệm của người học và phụ huynh học sinh… cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc