Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Đề ra các giải pháp sát thực, phù hợp triển khai chương trình phòng, chống ma túy hiệu quả

21:15, 08/11/2024

Chiều 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại Tổ 13, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều ý kiến đóng góp xung quanh các nội dung này.

Đóng góp ý kiến về Chương trình MTQG phòng, chống ma túy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ) tán thành với báo cáo đề xuất của Chính phủ cũng như sự cần thiết phải ban hành chương trình này, bởi tính cấp bách cho việc triển khai, tổ chức, thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong toàn quốc, ở cả các địa phương, ở một vị trí yêu cầu cao hơn.

Theo đại biểu, trong giai đoạn vừa qua, thực hiện chương trình phòng chống ma túy chúng ta đã đạt được nhiều kết quả; tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nội dung mục tiêu chưa hoàn thành, chưa đạt được.

Trong đó có nhóm mục tiêu về số vụ phạm tội được phát hiện bắt giữ hằng năm mới chỉ đạt 2,47% (mục tiêu đặt ra là 5%); hoặc nhóm mục tiêu trên 80% số người nghiện và số người sử dụng trái phép chất ma túy, được quản lý hồ sơ và tiếp cận tư vấn… mới chỉ đạt 65% (mục tiêu đề ra là trên 80%); hoặc nhóm mục tiêu về kiểm soát chặt chẽ 100% các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần… cũng chưa đạt. Và báo cáo đề xuất cũng đã đánh giá có nhiều nguyên nhân như: đội ngũ cán bộ thiếu, yếu; trang thiết bị thiếu hụt... trong đó phần nhiều là nguyên nhân do thiếu nguuồn lực, thiếu trang thiết bị.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ) phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ) phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ và rõ ràng hơn; liệu có phải trong các nguyên nhân này đều hoàn toàn là nguyên nhân do nguồn lực hay không? Còn các nguyên nhân chủ quan là như thế nào, đã thực sự vào cuộc hết chưa? Mặc dù các cấp, ngành, địa phương trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện đã có sự lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, có sự lồng ghép trong các đề án chương trình của các bộ ngành, địa phương nhưng thực sự đã có sự quan tâm và thấu đáo cho công tác này không? Điều này cũng cần đánh giá kỹ, chuẩn, chính xác để từ đó đề ra các giải pháp sát thực, phù hợp và triển khai chương trình đạt hiệu quả.

Về vấn đề nguồn lực, đại biểu cho rằng, nguồn lực cho chương trình ở giai đoạn này gấp 4 lần so với giai đoạn trước; trong đó nguồn vốn của trung ương là 78,96%; nguồn vốn địa phương là 20,82%. Đối chiếu với giai đoạn trước thì nguồn vốn của địa phương là 89,69% và nguồn vốn của Trung ương chỉ có 10,39% thì chưa nói rõ căn cứ vào cơ sở nào để thay đổi nguồn lực đầu tư như vậy. Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ để khi triển khai không gặp khó khăn trong đáp ứng nguồn lực.

Bên cạnh đó, về vấn đề cơ chế phân bổ, đại biểu nêu rõ: Theo đề xuất chương trình, đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách thì phải tự bảo đảm kinh phí thực hiện; các địa phương còn đang nhận sự hỗ trợ từ ngân sách của trung ương thì trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ. Tuy nhiên, chưa thấy trong nói rõ hỗ trợ như thế nào, theo cơ chế nào và cũng không giao cho Chính phủ, hay cơ quan nào để hướng dẫn vấn đề này.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cũng cần có quy định cụ thể về cơ chế phân bổ kinh phí từ nguồn trung ương về cho các địa phương không tự cân đối ngân sách và đang còn chịu kinh phí hỗ trợ của trung ương để tạo thuận lợi cũng như tính chủ động cho các địa phương trong quá trình thực hiện chương trình MTQG.

Liên quan đến các chỉ tiêu của chương trình, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, xem xét lại nhóm chỉ tiêu giảm cung. Theo chỉ tiêu đề ra: số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện sẽ tăng lên bình quân chung trong toàn quốc là 3%; tuy nhiên trong giai đoạn trước đã thực hiện được 2,47% (chỉ tiêu giai đoạn trước đặt ra trên 5%) mà giai đoạn này đặt trong chương trình MTQG, nguồn lực đầu tư tăng gấp 4 lần so với trước nhưng chỉ tiêu lại giảm đi. Điều này chưa thể hiện được sự nỗ lực, quyết liệt khi đặt ra chỉ tiêu để phấn đấu thực hiện.

Đại biểu đề nghị, nên giữ nguyên chỉ tiêu này giống như chỉ tiêu của giai đoạn trước đã đề ra. Bên cạnh đó, đối với một số chỉ tiêu chưa hoàn thành trong giai đoạn trước, trong giai đoạn tới lại không thấy đề cập, còn bỏ ngỏ, do vậy cũng cần rà soát lại, đề xuất, đặt ra các chỉ tiêu cho sát với tình hình và đúng yêu cầu…

Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Bí thư Huyện ủy Cư Kuin) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Bí thư Huyện ủy Cư Kuin) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: quochoi.vn

Cũng đánh giá cao và tán thành việc cần thiết phải có chương trình MTQG này, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Bí thư Huyện ủy Cư Kuin) cho biết: Qua thực tế ở địa phương và theo dõi từ góc độ 4 tuyến vận chuyển, mua bán trái phép trọng điểm gồm Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung – Tây Nguyên và Tây Nam, tệ nạn ma túy ngày càng trở nên phức tạp, trước đây chỉ có thuốc phiện, rồi sau đó còn có cả heroin, nay thêm ma túy tổng hợp với rất nhiều dạng, loại khác nhau và tác động rất ghê gớm đến thể chất, thần kinh, nhận thức, hành vi của người sử dụng, người nghiện. Thậm chí có những loại ma túy tổng hợp mà cơ quan chức năng còn chưa có phương tiện để xác định được.

Nghiêm trọng hơn ma túy còn đang bị trà trộn bằng mọi phương thức từ trà trồn vào đồ ăn đóng gói bán sẵn, nước uống, thuốc lá điện tử… để hướng tới giới trẻ, học sinh, sinh viên. Tác hại của ma túy để lại nhiều hệ lụy đau khổ cho người nghiện và gia đình, họ hàng, khu dân cư, băng hoại nhân cách, đạo đức, ảnh hưởng đến giống nòi và liên quan nhiều nếu như không muốn nói rằng thường gắn liền với các tệ nạn xã hội khác và tội phạm. Người nghiên có xu hướng ngày càng trẻ hóa rõ rệt; tội phạm ma túy ngày càng manh động, liều lĩnh, liên kết xuyên biên giới và bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả tước đoạt sinh mạng của lực lượng chức năng để vận chuyển, buôn bán ma túy.

Số lượng ma túy thu giữ ngày càng lớn, số vụ thu giữ có khối lượng hàng tạ trước đây rất hiếm, nay đã trở nên phổ biến với nhiều vụ thu giữ hàng tạ thuốc phiện, heroin và hàng triệu viên ma túy tổng hợp… Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã bắt giữ 27.905 đối tượng phạm tội ma túy trong 17.129 vụ án, thu giữ gần 1 tấn cần sa, hơn 1,7 tấn và 1,8 triệu viên ma túy tổng hợp. Trong số đối tượng phạm tội có đến 40,63% là lao động tự do, xấp xỉ 40% là người thất nghiệp; độ tuổi từ 18-30 chiếm hơn 41%.

Đối với các cơ quan chức năng, thực thi nhiệm vụ phòng, chống tội phạm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì qua báo cáo giám sát của Ủy ban Xã hội của nhiệm kỳ trước cho thấy, trang thiết bị của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy còn khá thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đối với các cơ sở cai nghiện ma túy, có thể nói cũng rất đa dạng về hiện trạng. Một số tỉnh, thành phố lớn, có khả năng cân đối ngân sách, nhất là TP. Hồ Chí Minh trước đây đã thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 16 về cai nghiện tập trung thì còn tương đối tạm ổn, có nơi thì có cơ sở nhưng đối tượng thì ít, có nơi và cũng là phần lớn còn lại thì cơ bản là xuống cấp, chật hẹp, thiếu thốn, không đáp ứng điều kiện.

Về các nội dung cụ thể, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm tán thành với 3 nhóm mục tiêu cụ thể là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại là bám sát với quan điểm, chủ trương phòng, chống ma túy của Đảng và Nhà nước và phù hợp với quan điểm khi xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Đối với quy mô vốn, đại biểu cho rằng, nếu so sánh với mục tiêu đặt ra cũng như các chương trình MTQG đang triển khai hiện nay cũng như Chương trình MTQG về văn hóa sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này thì tổng số vốn xấp xỉ 22,5 nghìn tỷ đồng của chương trình này là khá khiêm tốn. Mặc dù vậy, nhìn rộng hơn, việc xác định tổng mức vốn hài hòa với khả năng huy động nguồn lực trong thời gian tới khi chúng ta phải ưu tiên dành khá nhiều cho các dự án trọng điểm quốc gia và các chương trình MTQG khác.

Đại biểu cho rằng, về mặt đạt được, với 9 dự án thành phần bao phủ các hoạt động cơ bản nhất của đề xuất Chương trình đã được bố trí số vốn tương ứng gắn với các nhóm mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể. Về việc bố trí vốn cho các dự án, đại biểu quan tâm đến 2 dự án lớn đó là dự án 4 với hơn 4,7 nghìn tỷ đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở và dự án 5 là hơn 11,45 nghìn tỷ đồng – chiếm một nửa tổng số vốn của chương trình nhằm nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy và quản lý sau cai với trọng tâm chính là hỗ trợ cơ sở cai nghiện ma túy công lập để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác cai nghiện ma túy.

Đại biểu cho rằng việc bố trí vốn này là phù hợp vì: một mặt vừa khắc phục những hạn chế hiện nay về thực trạng cơ sở vật chất của các trung tâm và chuẩn bị về lâu dài cho tình hình ngày càng phức tạp, số người nghiện gia tăng, số hơn 200.000 người nghiện hiện nay có hồ sơ quản lý chỉ là tảng băng nổi của thực trạng người nghiện và sử dụng trái phép ma túy, còn số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều. Mặt khác, phần vốn của 2 dự án 4 và 5 chiếm hơn 16.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 22.000 tỷ dành cho cơ sở là phù hợp.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm với Chính phủ, đó là: Tuy phần vốn ngân sách địa phương chi hơn 4,6 nghìn tỷ, nhưng đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn đến các đặc thù: Một là các địa phương trọng điểm về ma túy, có số lượng nhiều người sử dụng trái phép; hai là các địa phương còn khó khăn về ngân sách, phụ thuộc vào ngân sách trung ương; ba là các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì cần có tính toán, cân đối để làm sao chương trình khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đại biểu đánh giá cao việc đề xuất dự án 2 về ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống ma túy rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước, đáp ứng với tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, xuyên biên giới, sử dụng công nghệ để phạm tội. Tuy nhiên, đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm, bảo trì, duy tu, nâng cấp các hệ thống này khá tốn kém nhưng vốn bố trí chỉ hơn 713 tỷ đồng thì hơi thấp.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.