Hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám và những bí ẩn
Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế kéo dài gần 30 năm (1884 - 1913), dài nhất trong các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam, trên địa bàn rộng lớn từ trung du đến đồng bằng Bắc Bộ. Cuộc khởi nghĩa gắn liền với thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám – người được mệnh danh là hùm thiêng Yên Thế.
Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phạm Văn Ngôn, Lê Văn Luân, Nguyễn Đình Kiên… đã gặp gỡ Hoàng Hoa Thám xin phối hợp hành động. Hùm xám Yên Thế và nghĩa quân của ông đã nhiều phen làm cho thực dân Pháp phải kinh hồn bạt vía, người Pháp ở vùng này hai lần xin giảng hòa để được bình yên. Cũng như các cuộc khởi nghĩa chống Pháp trước năm 1930 có chung một quy luật “Bất bạo động, bạo động tắc tử”, phong trào Yên Thế bị dập tắt năm 1913. Nhưng, tên tuổi của cuộc khởi nghĩa Yên Thế và người anh hùng Hoàng Hoa Thám được nhắc mãi trong lịch sử: “Rừng Yên Thế khiến sài lang mất mật, sau nghe tên Đề Thám họ Hoàng Hoa…”.
Cho đến nay, cuộc đời của thủ lĩnh phong trào Yên Thế còn nhiều bí ẩn lịch sử. Các nhà nghiên cứu ví Hoàng Hoa Thám như nhân vật bước ra từ truyện cổ tích, với hơn 50 truyện kể dân gian về cuộc đời của ông chủ yếu là “ra đời kỳ lạ, chiến công phi thường, hóa thân (cái chết) thần kỳ” (Triệu Thị Linh - Hoàng Hoa Thám và những truyện kể dân gian, Tạp chí khoa học - Đại học Tân Trào, trang 99).
Hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám (1858 - 1913). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
Các tư liệu lịch sử đều ghi Hoàng Hoa Thám sinh năm 1858 tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1884 đến năm 1913, ông có nhiều bí danh khác nhau như Đề Dương, Đề Thám, Hùm xám Yên Thế, Hùm thiêng Yên Thế. Hai tác giả viết nhiều cuốn sách về cuộc khởi nghĩa Yên Thế sống cùng thời với Hoàng Hoa Thám là Phan Bội Châu và Ngô Tất Tố, nhưng ghi chép lại gốc gác và cái chết của Hoàng Hoa Thám cũng chưa được tường minh. Trong tác phẩm “Chân tướng quân” xuất bản năm 1917 của Phan Bội Châu ghi rằng: “mới sinh ra đã bị mất cha, không biết cha là ai, mẹ thì nghèo khổ, lưu lạc tới đây… làm con nuôi họ Hoàng” (trang 150). Tác phẩm “Lịch sử quân Đề Thám Yên Thế” (Ngô Tất Tố, Nhà in Nhật Nam Hà Nội, xuất bản 1935) viết: “Thám vốn họ Trương. Ông thân của Thám là một người làm ruộng rất nghèo ở vùng Yên Thế, mẹ là gì thì chưa rõ. Vợ chồng hiếm hoi chỉ có một người con gái, đến ngoài 40 mới sinh ra Thám” (trang 5).
Năm 2014, nhà nghiên cứu Khổng Đức Thiêm trong một bài viết công bố trên Tạp chí Xưa và Nay đã căn cứ vào Đại Nam thực lục chính biên và Gia phả họ Bùi (Thái Bình), Gia phả họ Đoàn ở Dị Chế, ghi rõ: “Trương Thận (cha Đề Thám) chỉ là biệt danh thủ lĩnh nông dân nổi lên chống lại nhà Nguyễn, tên chính là Đoàn Danh Lại, người làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, bị anh em Bùi Duy Kỳ bắt giết đem nộp triều đình vào tháng 9 năm Bính Thân, Minh Mệnh 17 (1836)” (theo Hoàng Hoa Thám 1836-1913, NXB Tri thức, 2014). Cũng theo nhà nghiên cứu Khổng Đức Thiêm, Đoàn Danh Lại mất lúc này hai con của ông còn nhỏ, con lớn là Đoàn Văn Lễ (sau đổi tên là Trương Văn Leo) và con thứ là Đoàn Văn Nghĩa (sau gọi là Giai Thiêm) mới mấy tháng tuổi, được người chú bế lánh nạn sang Sơn Tây rồi lưu lạc về vùng Yên Thế. Giai Thiêm về sau trở thành con nuôi của gia đình Cai tổng Thân Bá Nghị, Thân Bá Thức; được nuôi dưỡng và tiếp tục rèn luyện chí khí và sau này trở thành người anh hùng dân tộc, thủ lĩnh của khởi nghĩa Yên Thế.
Trong cuốn Lịch sử Việt Nam – Tập 6, của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học, NXB Khoa học xã hội 2017 do Võ Kim Cương chủ biên trang 328, 329 ghi: “Hoàng Hoa Thám tên thật là Trương Văn Thám, còn gọi là Đề Thám hay Hùm thiêng Yên Thế, sinh năm 1858, mất ngày 10/2/1913, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885 - 1913). Hoàng Hoa Thám hồi nhỏ tên là Trương Văn Nghĩa, quê ở làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên; sau đó di cư lên Sơn Tây (Hà Nội), rồi đến Yên Thế (Bắc Giang). Cha là Trương Văn Thận và mẹ là Lương Thị Minh. Sinh thời, cha mẹ ông đều là những người rất trọng nghĩa khí; cả hai đều gia nhập cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn, Nùng Văn Vân ở Sơn Tây”. Như vậy ông Trương Văn Thận, cha của Hoàng Hoa Thám tham gia cuộc khởi nghĩa của Nùng Văn Vân năm 1833 chống lại triều đình vua Minh Mạng và bị dập tắt năm 1835 và ông Thận cũng bị giết năm 1836 là có cơ sở. Tuy nhiên lịch sử cũng công nhận rằng ông Hoàng Hoa Thám sinh năm 1858, tức là hơn 20 năm sau khi bố mất, mới được sinh ra!? Một câu hỏi lớn dành cho các nhà nghiên cứu lịch sử.
Cho đến nay, Hoàng Hoa Thám vẫn còn nhiều điều bí ẩn về xuất thân cũng như cái chết của ông. Chỉ biết rằng trong tâm thức người dân Việt Nam, ông được đánh giá là một thủ lĩnh quân sự tài ba trong công cuộc chống ngoại xâm.
Võ Hữu Lộc
Ý kiến bạn đọc